1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tìm ra cách khiến HIMARS của Ukraine "im hơi, lặng tiếng"?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từng được mệnh danh là vũ khí giúp thay đổi cuộc chơi nhưng HIMARS do Mỹ viện trợ cho Ukraine dường như đã bị Nga "bắt bài".

Nga tìm ra cách khiến HIMARS của Ukraine im hơi, lặng tiếng? - 1

Hệ thống M142 HIMARS của Ukraine phóng rocket vào vị trí của Nga hồi tháng 12/2023 (Ảnh: Getty).

Washington Post đưa tin, theo một tài liệu mật đánh giá vũ khí của Ukraine mà hãng tin Mỹ tiếp cận được, các hệ thống HIMARS mà Washington viện trợ cho Kiev đã "hoàn toàn trở nên không hiệu quả" do hệ thống gây nhiễu điện tử của Nga.

Tài liệu trên cũng nói rằng, Ukraine đã phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sử dụng nhiều loại vũ khí do Mỹ cung cấp vì chúng gặp vấn đề liên quan tới việc định vị mục tiêu để tấn công.

Ví dụ, Washington đề cập đến các loại vũ khí như đạn pháo dẫn đường bằng GPS Excalibur và Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Đánh giá cho thấy: "Công nghệ trên Excalibur ở các phiên bản hiện tại đã mất đi tiềm năng. Triển khai loại đạn này trên chiến trường ở Ukraine đã làm mất đi danh tiếng của Excalibur như là loại vũ khí tấn công chính xác mục tiêu".

HIMARS, vũ khí được xem là "phao cứu sinh" giúp Ukraine làm thay đổi cuộc chơi trong giai đoạn đầu chiến sự, nhưng giờ đây đã không còn là mối đe dọa lớn với Nga, Washington Post dẫn một nguồn tin quân sự cho biết.

Nguồn tin nói: "Người Nga đã triển khai tác chiến điện tử, vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh và HIMARS trở nên hoàn toàn không hiệu quả". Theo tài liệu, nỗ lực gây nhiễu của Nga có thể khiến quả rocket trượt mục tiêu từ 15m trở lên.

Hồi đầu tuần, truyền thông phương Tây tiết lộ rằng các quả bom lượn của Mỹ viện trợ cho Ukraine cũng liên tục bay trượt mục tiêu do tác chiến điện tử của Nga.

Tuy nhiên, theo Washington Post, các hệ thống khác do phương Tây viện trợ cho Ukraine như tên lửa Storm Shadow của Anh và tên lửa ATACMS của Mỹ ít bị ảnh hưởng hơn bởi nỗ lực gây nhiễu của Nga.

Defense One cho biết, gây nhiễu là một chiến thuật chi phí thấp vì thiết bị giá không quá cao và có thể tiêu diệt các loại đạn dược trị giá hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD.

Hệ thống gây nhiễu của Nga hoạt động từ mặt đất, phóng ra một cụm sóng "hình nón" ngăn vũ khí đối thủ liên lạc với vệ tinh vệ tinh dẫn đường, khiến chúng bay chệch mục tiêu dự kiến.

Một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên nói với Washington Post rằng, Nga "tiếp tục mở rộng việc sử dụng tác chiến điện tử. Và chúng tôi tiếp tục phát triển và đảm bảo rằng Ukraine có những năng lực cần thiết để tác chiến hiệu quả".

Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, Mike Nagata, trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nói rằng Mỹ "vẫn đang tụt hậu" về khả năng tác chiến điện tử, nếu so với Nga.

Ông Nagata cho rằng, khoảng cách giữa vị trí của Mỹ và các đối thủ "ngày càng nới rộng" trên nhiều khía cạnh. Ông kêu gọi Mỹ cần phải nỗ lực hơn nữa để giành lấy vị thế thống trị trong hoạt động tác chiến điện tử.

Tướng Valery Zaluzhny, cựu tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, từng nhận định trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 năm ngoái rằng, Nga đã chiếm thế thượng phong về tác chiến điện tử. Ông gọi tác chiến điện tử là "chìa khóa chiến thắng".

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine