1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga thừa nhận "cú sốc" kinh tế do lệnh trừng phạt của phương Tây

Minh Phương

(Dân trí) - Điện Kremlin cho biết, Nga đang trải qua một "cú sốc" kinh tế do các lệnh trừng phạt "chưa từng có" của phương Tây.

Nga thừa nhận cú sốc kinh tế do lệnh trừng phạt của phương Tây - 1

Nga cho rằng phương Tây đang tuyên chiến kinh tế với Moscow bằng các lệnh trừng phạt (Ảnh minh họa: China Daily).

"Kinh tế của chúng tôi đang hứng chịu một cú sốc kinh tế và có những hậu quả tiêu cực. Chúng tôi sẽ tìm cách giảm thiểu tác động đó", Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 10/3 cho biết. Ông Peskov nhấn mạnh: "Đây là điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga".

Ông cho biết thêm, Nga đã sẵn sàng các biện pháp để hạ nhiệt tình hình, song Nga cần "hành động một cách có trật tự nhằm giảm thiểu các tác động và rủi ro tiềm tàng".

Ông Peskov cáo buộc phương Tây đang tuyên chiến kinh tế với Nga bằng các lệnh trừng phạt "chưa từng có". Trước đó, Điện Kremlin cho rằng, "Mỹ đã tuyên chiến kinh tế với Nga" sau khi ban bố lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga. Điện Kremlin cho biết, Nga sẽ đáp trả lệnh trừng phạt này của Washington.

Nga liên tiếp hứng các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Các lệnh trừng phạt này nhằm vào ngành tài chính và năng lượng của Nga, trong đó có lệnh trừng phạt "chưa từng có" như cấm vận năng lượng Nga, loại một số ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm nay thừa nhận, EU đã đạt đến giới hạn trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính với Nga.
"Với các lệnh trừng phạt tài chính, tất nhiên, bạn có thể đi xa hơn. Tuy nhiên, chúng tôi đã đạt đến giới hạn những gì có thể làm. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể", ông Borell nói. Ông cho biết, EU cần phải tránh xung đột với Nga bởi điều này có thể kéo theo thế chiến thứ 3.

Trả lời câu hỏi liệu EU có "nối gót" Mỹ áp lệnh cấm vận năng lượng với Nga hay không, ông Borell cho biết EU ở thế khó hơn so với Mỹ. Thực tế, EU phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Khoảng 40% khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) do Nga cung cấp và mức độ phụ thuộc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây. Việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế không hề dễ dàng với EU. Đó là lý do EU chỉ cam kết giảm dần phụ thuộc vào năng lượng Nga thay vì một lệnh cấm vận như của Mỹ và Anh.

Lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga là biện pháp "bất đắc dĩ" bởi phương Tây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhu cầu năng lượng phụ thuộc lớn vào Moscow. Xung đột Ukraine xảy ra vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang tìm cách phục hồi sau đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm. Brenda Shaffer, chuyên gia về năng lượng nhận định với hãng truyền thông Mỹ CNBC rằng, việc loại bỏ nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới khỏi các thị trường sẽ gây ra "một cú sốc lớn" đối với giá dầu toàn cầu và nền kinh tế toàn cầu.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine