1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga tăng cường "săn" vũ khí trợ thủ đắc lực của hỏa thần HIMARS

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, Nga đang đẩy mạnh tấn công vào các hệ thống radar phản pháo dòng AN/TPQ mà Mỹ viện trợ cho Ukraine - các vũ khí được xem là "mắt thần" của hệ thống HIMARS và M777.

Nga tăng cường săn vũ khí trợ thủ đắc lực của hỏa thần HIMARS - 1

Hệ thống HIMARS đã gây ra không ít thách thức cho Nga trong thời gian qua (Ảnh: Reuters).

Eurasian Times đưa tin, Nga trong thời gian qua dường như đã phá hủy được ít nhất 5 hệ thống radar phản pháo quan trọng của Ukraine thuộc dòng AN/TPQ-50, AN/TPQ-64 và AN/TPQ-36. Đây được xem là các tổ hợp rất quan trọng có thể giúp cho hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS và tổ hợp lựu pháo M777 Mỹ viện trợ cho Ukraine truy dò mục tiêu trên chiến trường.

Các hình ảnh từ hiện trường cũng như thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay, Moscow đã dùng hỏa lực nhằm mục tiêu vào các hệ thống radar chiến lược này để liên tục phá hủy chúng trong thời gian qua.

Tấn công phản pháo là một trong những hoạt động tác chiến hỏa lực quan trọng trên chiến trường. Nó thường dựa vào các radar phản pháo để phát hiện và truy vết các tên lửa bay tới, sau đó dựa vào đường bay để phát hiện vị trí bệ phóng của đối thủ.

Theo Eurasian Times, Ukraine đã nhận 15 hệ thống radar AN/TPQ-36 từ Mỹ và Hà Lan trong 7 năm qua. Do Northrop Grumman và Hughes Aircraft sản xuất vào những năm 1970, AN/TPQ-36 Firefinder là một radar phản pháo tầm ngắn có tính cơ động cao với phạm vi phát hiện lên tới 24km.

Radar AN/TPQ-36 Firefinder đặt biệt quan trọng trong vùng chiến sự khi được kết hợp với các vũ khí pháo binh như lựu pháo M777 hay HIMARS.

Trong thời gian qua, M777 hoặc HIMARS hoạt động hiệu quả trên chiến trường vì ngay khi quân đội Nga khai hỏa vào các vị trí của Ukraine, các radar phản pháo sẽ gửi tọa độ đến những tổ hợp M777 hoặc HIMARS, sau đó chúng có thể bắn trả đối thủ với độ chính xác cao.

Mặt khác, AN/TPQ-50 có tầm quét xa hơn AN/TPQ-36 nên có khả năng bao quát chiến trường hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Nga cũng thông báo đã phá hủy được radar AN/TPQ-64 của Ukraine. Dòng vũ khí này được trang bị những công nghệ vượt trội như khả năng quét 3D sử dụng băng tần X cùng khả năng xác định vị trí bắn cùng đường đạn của pháo binh đối phương. Radar này cũng có thể đưa ra những thông số nhằm tăng cường độ chính xác cho các cuộc phản pháo một cách nhanh chóng. Tầm hoạt động tối ưu của radar AN/TPQ-64 có thể lên tới 120km.

Các hệ thống radar AN/TPQ-64 sau khi được đưa vào hoạt động đã tăng cường năng lực của pháo binh Ukraine trước hỏa lực vượt trội của quân đội Nga. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các hệ thống radar phản pháo đã lỗi thời và không thể hiệu quả bằng các máy bay không người lái (UAV) trinh sát đời mới. Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia, các radar phản pháo vẫn được xem là đóng vai trò rất quan trọng trên chiến trường.

Ví dụ, các chuyên gia cho rằng, việc Ukraine đạt được lợi thế trên chiến trường với HIMARS là do công nghệ phản pháo của Nga dường như chưa đạt được hiệu quả tốt nhất.

Samuel Cranny-Evans, một chuyên gia về tác chiến trên bộ tại Viện RUSI (Anh), nhận định: "Radar phản pháo cần phải dò được rocket ngay khi nó được phóng đi để đoán được đường bay của hỏa lực nhằm tính toán ra vị trí của bệ phóng một cách chính xác. Vì vậy, nếu radar không dò được tên lửa từ thời điểm nó được phóng đi vì nó chưa có tầm hoạt động đủ bao quát, radar khó có thể đưa ra phương án phản pháo hợp lý".

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine