1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

NATO chưa tin Nga hạ nhiệt căng thẳng, đòi bằng chứng rút quân

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thư ký NATO cho biết chưa ghi nhận bằng chứng giảm leo thang căng thẳng từ phía Nga, bất chấp tuyên bố rút quân của Moscow.

NATO chưa tin Nga hạ nhiệt căng thẳng, đòi bằng chứng rút quân - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Bỉ ngày 15/2 (Ảnh: NATO).

"Có những dấu hiệu từ Moscow cho thấy biện pháp ngoại giao nên được tiếp tục. Đây là cơ sở để lạc quan một cách thận trọng. Nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng giảm leo thang căng thẳng nào trên thực địa", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên trước cuộc họp kéo dài 2 ngày của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels, Bỉ hôm 15/2.

Ông Stoltenberg cho biết NATO "không nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga giảm bớt hiện diện quân sự ở biên giới Ukraine". "Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và quan sát những gì Nga đang làm", Tổng thư ký NATO cảnh báo.

"Nga đã tập trung lực lượng vũ trang xung quanh Ukraine với quy mô chưa từng có kể từ sau chiến tranh Lạnh. Mọi thứ hiện đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công mới. Nhưng Nga vẫn còn thời gian để lùi khỏi bờ vực, ngừng chuẩn bị cho chiến tranh và bắt đầu tìm kiếm một giải pháp hòa bình", ông Stoltenberg nói, đồng thời mô tả tình hình hiện nay là "cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất (NATO) phải đối mặt ở châu Âu trong nhiều thập niên".

Tuyên bố của Tổng thư ký NATO được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 thông báo bắt đầu rút một phần lực lượng quân sự về căn cứ sau khi kết thúc cuộc tập trận ở gần biên giới Ukraine. Phía Nga nói rằng binh sĩ của nước này đã hoàn tất các cuộc tập trận quân sự ở Belarus, gần biên giới Ukraine và sẽ bắt đầu rút về vị trí triển khai thường trực.

Trước khi Nga rút quân, Mỹ và các nước phương Tây cho rằng Nga đã triển khai khoảng 145.000 binh sĩ và khí tài, áp sát Ukraine từ 3 phía khác nhau. Nếu phương Tây xác nhận tuyên bố rút quân của Nga, đây có thể là tín hiệu quan trọng giúp hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Nga và Belarus đã tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ hôm 10/2. Nga đã điều 30.000 quân, 2 tiểu đoàn tên lửa đất đối không S-400 và nhiều máy bay chiến đấu đến Belarus để tham gia cuộc tập trận. Cuộc tập trận không chỉ diễn ra ở khu vực gần biên giới Ukraine, mà còn gần biên giới Ba Lan và Lithuania, 2 nước thành viên của NATO.

Trong khi phương Tây cho rằng cuộc tập trận là động thái nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Ukraine, cả Nga và Belarus đều khẳng định các cuộc tập trận giữa 2 nước mang tính phòng thủ nhằm bảo vệ biên giới chung khỏi sự can thiệp từ bên ngoài. Điện Kremlin cho biết các lực lượng Nga sẽ quay trở lại căn cứ sau khi tập trận tại Belarus kết thúc. 

Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết thông báo rút quân của Nga là "tín hiệu đúng đắn". Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng, nước này sẽ chỉ tin tình hình giảm leo thang khi thấy quân đội Nga được rút khỏi biên giới.

Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc của phương Tây về kế hoạch động binh với Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 15/2 chỉ trích "cỗ máy tuyên truyền chiến tranh" của phương Tây khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo rút lực lượng gần biên giới Ukraine.

Theo www.rt.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm