1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Nga nói châu Âu đã trở thành "con tin của Mỹ"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho rằng châu Âu đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào Mỹ về khí đốt.

Nga nói châu Âu đã trở thành con tin của Mỹ - 1

Nga đã là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu trong hàng chục năm qua (Ảnh: Reuters).

Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov nói với Tass rằng vụ việc đường ống khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) và Nord Stream 2 bị phá hoại đã biến các quốc gia châu Âu thành "con tin của Mỹ".

"Châu Âu về cơ bản đã trở thành con tin của Mỹ. Ai là người hưởng lợi từ tình hình hiện tại? Chính là Mỹ", ông Antonov nói, cho rằng châu Âu đang trong khủng hoảng.

"Mỹ hiện cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mỹ hiện là bên quyết định giá bán", ông nói thêm.

Cả châu Âu và Mỹ chưa lên tiếng về nhận định của phía Nga. 

Trước đó, vào tháng 9/2022, một loạt vụ nổ đã làm hư hại nặng nề cả 2 đường ống dẫn khí Nord Stream được xây dựng để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức và phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà điều tra cho biết đã tìm thấy dấu vết của chất nổ tại hiện trường và nghi ngờ có hành động cố ý làm nổ các đường ống. Cả Nga và phương Tây đều coi đây là một vụ phá hoại có chủ đích và liên tục cáo buộc phía còn lại đứng sau sự cố với 2 đường ống.

Tới nay, các cuộc điều tra về vụ nổ với Nord Stream vẫn chưa có kết quả cụ thể. Vụ nổ làm gián đoạn hoạt động cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu qua Nord Stream.

Dòng khí đốt qua đường ống từ Nga sang châu Âu đã giảm xuống mức thấp lịch sử kể từ khi xung đột Moscow - Kiev bùng phát. Châu Âu đã thể hiện quyết tâm sẽ "cai" năng lượng từ Nga để gây áp lực buộc Moscow dừng chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

Các nước châu Âu đã nỗ lực tìm phương án thay thế khí đốt chảy qua đường ống Nga, trong đó có việc nhập khẩu LNG. Tuy nhiên, giá LNG nhập khẩu từ nước ngoài đắt hơn rất nhiều so với khí đốt tự nhiên được cung cấp qua đường ống từ Nga theo các hợp đồng dài hạn.

Dù EU đã cắt giảm nhập khí qua đường ống mua từ Nga, nhưng các chuyên gia từ công ty nghiên cứu Kpler cảnh báo rằng việc mua LNG sẽ làm chi phí năng lượng của châu Âu tăng vọt.

Khác với khí đốt chảy qua đường ống, vốn thường được cung cấp thông qua hợp đồng dài hạn, LNG được mua trên thị trường giao ngay, khiến nó có giá cao gấp vài lần. Các chi phí hóa lỏng, vận chuyển cũng đẩy giá LNG lên cao hơn nhiều lần.

Không chỉ mua LNG từ Mỹ, châu Âu cũng mua LNG từ Nga trong thời gian qua, vì mặt hàng này không bị trừng phạt. Điều này gây ra nghịch lý khi châu Âu giảm mua khí đốt Nga qua đường ống, nhưng lại tăng nhập khẩu LNG từ Moscow vào năm ngoái.

Nó cũng khiến châu Âu rơi vào tình huống phải chấp nhận mua khí đốt với giá đắt để đáp ứng nhu cầu năng lượng. 

Vào cuối năm 2022, Pháp nói rằng Mỹ bán LNG cho EU với giá đắt gấp 4 lần trong nước. Trong khi đó, Đức cũng từng phàn nàn rằng Mỹ và một số nhà cung cấp thân thiện với Berlin đang bán khí đốt với giá "cao ngất ngưởng", dường như ám chỉ họ đang hưởng lợi từ cuộc xung đột ở Ukraine. 

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine