1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

EU tung gói trừng phạt thứ 14, nhằm vào khí đốt Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Liên minh châu Âu công bố gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, hướng tới khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Moscow.

EU tung gói trừng phạt thứ 14, nhằm vào khí đốt Nga - 1

Một cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng của Nga (Ảnh: Reuters).

EU hôm 24/6 đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nhắm vào đội tàu của Moscow vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua châu Âu cũng như một số công ty.

Tại cuộc họp ở Luxembourg, nơi các lệnh trừng phạt được thông qua, các ngoại trưởng EU cũng nhất trí về hỗ trợ tài chính mới để giúp Ukraine tự vệ trong chiến dịch quân sự của Nga.

Trong nỗ lực khiến chi phí vận tải LNG Nga tăng lên, EU sẽ cấm các hoạt động chuyển LNG của Nga trên lãnh thổ những nước thành viên liên minh để đưa sang nước thứ 3.

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến nổ ra, EU tung đòn trừng phạt vào hoạt động xuất khẩu LNG của Nga.

EU ước tính khoảng 4-6 tỷ mét khối LNG của Nga đã được vận chuyển đến các nước thứ 3 thông qua các cảng của EU vào năm ngoái. Nga bị nghi ngờ điều hành một hạm đội lên tới 400 tàu nhằm né tránh các lệnh trừng phạt và đảm bảo nguồn thu "khủng" từ năng lượng để giúp duy trì cuộc chiến.

Ngoài ra, EU cũng trừng phạt một số công ty, tổ chức ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE với cáo buộc những thực thể này lách các lệnh trừng phạt của khối hoặc cung cấp thiết bị nhạy cảm cho Nga.

Hơn 50 quan chức Nga cũng bị EU bị phong tỏa tài sản cũng như cấm đi lại.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói rằng: "Nga muốn chứng minh rằng Ukraine dễ bị tổn thương và chúng tôi phải chứng minh rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine".

Ông Borrell cho biết EU đã đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukraine 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD) vào tháng 7 và thêm 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) vào cuối năm nay, để tăng cường dự trữ thiết bị phòng không và đạn dược, và nhằm góp phần củng cố nền công nghiệp quốc phòng của đất nước.

Khoản tiền này được rút ra từ lợi nhuận EU thu được từ tài sản đóng băng của Nga ở châu Âu, ông nói.

Trước đó, Nga cảnh báo sẽ đáp trả nếu phương Tây dùng tài sản tịch thu của nước này để viện trợ cho Ukraine. 

Theo Reuters