1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Putin: Không có người chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định "không có người chiến thắng" trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang leo thang.

Tổng thống Putin: Không có người chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân - 1

Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Getty).

"Nga luôn tuân thủ tinh thần và nội dung của Hiệp ước (Không phổ biến Vũ khí hạt nhân - NPT). Các nghĩa vụ của chúng tôi theo các thỏa thuận song phương với Mỹ về việc cắt giảm và hạn chế các loại vũ khí liên quan cũng đã được hoàn thành đầy đủ", Tổng thống Putin ngày 1/8 nhấn mạnh trong bức thư gửi các bên tham dự Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Theo Tổng thống Putin, Nga tin rằng "không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân" và cuộc chiến này "không bao giờ được nổ ra".

Tổng thống Putin cho biết, Nga cũng tin rằng mọi quốc gia tuân thủ các quy tắc của hiệp ước NPT nên sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình và không cần bất kỳ điều kiện nào. "Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với các đối tác của chúng tôi", ông Putin nói thêm.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra tuyên bố trước thềm hội nghị đánh giá NPT, kêu gọi Nga tham gia vào các cuộc đàm phán để đưa ra một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới thay thế cho hiệp ước New START.

"Chính quyền Mỹ sẵn sàng đẩy nhanh đàm phán khuôn khổ kiểm soát vũ khí mới thay thế Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) sẽ hết hạn vào năm 2026. Tuy nhiên, đàm phán cần một đối tác sẵn sàng hành động một cách thiện chí. Trong bối cảnh này, Nga cần thể hiện rằng họ sẵn sàng nối lại đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ", ông Biden nhấn mạnh.

Thỏa thuận START mới đưa ra quy định 2 nước chỉ được triển khai tối đa 700 đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM); 1.550 đầu đạn cho ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng; 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai.

Tổng thống Biden cáo buộc Moscow "đã phá vỡ hòa bình ở châu Âu" khi triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng đây là "một cuộc tấn công vào các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế".

Trong khi Moscow liên tục kêu gọi Mỹ gia hạn vô điều kiện hiệp ước thêm 5 năm, Washington đã đưa ra nhiều đề xuất về việc sửa đổi, bao gồm việc kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán về giải trừ hạt nhân.

"Trung Quốc cũng có trách nhiệm với tư cách là quốc gia có vũ khí hạt nhân và là thành viên của P5 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các động thái quân sự gây mất ổn định", ông Biden nói thêm.

Hồi tháng 7, khi được hỏi về nguy cơ cuộc xung đột ở Ukraine biến thành chiến tranh hạt nhân giữa Nga và phương Tây do những nỗ lực liên tục của Mỹ và các đồng minh khiến tình hình leo thang, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng khẳng định "không thể có người chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân, do vậy cuộc chiến này không bao giờ có thể nổ ra".

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết chính sách an ninh của Nga quy định rằng, Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa. 

Theo RT