1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga nêu điều kiện để Tổng thống Putin - Zelensky đàm phán trực tiếp

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga không bao giờ từ chối một cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine, nhưng cần có điều kiện để sự kiện này diễn ra.

Nga nêu điều kiện để Tổng thống Putin - Zelensky đàm phán trực tiếp - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

"Không có thông tin chi tiết nào liên quan đến vấn đề này", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/4, đề cập tới khả năng tổ chức cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông Peskov cho biết, hai bên cần có một văn bản được soạn thảo trước khi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Ukraine diễn ra.

"Chúng tôi từng lên tiếng về cuộc họp và nói rằng, về nguyên tắc Tổng thống Nga không bao giờ từ chối một cuộc gặp như vậy, nhưng một số điều kiện nhất định phải được sắp xếp trước cuộc gặp này, cụ thể là một bản thảo", người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần này tuyên bố, ông tin rằng chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mới có khả năng giúp đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin hôm 12/4 cho biết, Ukraine đã đẩy các cuộc đàm phán với Moscow một lần nữa "vào ngõ cụt" khi đi chệch hướng khỏi các thỏa thuận đã đạt được trong vòng đàm phán trước đó tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Vòng đàm phán mới nhất giữa Moscow và Kiev đã được tổ chức cách đây 2 tuần tại Istanbul. Nga cho biết phái đoàn Ukraine đã đưa ra bản thảo đầu tiên về các đề xuất bằng văn bản nhằm giải quyết xung đột.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, văn bản do trưởng đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia ký hôm 29/3 nêu rõ, ngoài quy chế trung lập, không tham gia liên minh quân sự, phi hạt nhân hóa, Ukraine sẽ cam kết hạn chế các cuộc tập trận quân sự có sự tham gia của quân đội nước ngoài mà không nhận được sự cho phép từ tất cả các quốc gia bảo lãnh, bao gồm cả Nga.

Ngoại trưởng Nga cho biết trong thỏa thuận ở Istanbul, phía Ukraine đã đồng ý rằng cơ chế đảm bảo an ninh trong tương lai cho Ukraine sẽ không áp dụng cho bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol. Năm 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea, trong khi Ukraine và phương Tây phản đối động thái này.

Tuy nhiên, ông Lavrov khẳng định các điều khoản trong dự thảo thỏa thuận mà Ukraine gửi Nga hôm 6/4 khác với những điều khoản được đưa ra tại cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Lavrov còn nói rằng, phía Ukraine đã yêu cầu các vấn đề liên quan tới Crimea và Donbass phải được thảo luận ở cấp tổng thống.

Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc, các động thái của Ukraine cho thấy ý định rõ ràng của Kiev nhằm cố tình kéo dài, thậm chí "phá hoại các cuộc đàm phán bằng cách gạt bỏ những điều khoản đã được thống nhất trước đó". Ngoại trưởng Nga cáo buộc Mỹ và phương Tây có thể liên quan tới việc này và thúc đẩy Ukraine tiếp tục có hành động thù địch. 

Trưởng đoàn đàm phán Nga, Vladimir Medinsky, bày tỏ sự lạc quan thận trọng sau cuộc đàm phán ở Istanbul, nói rằng Ukraine đã phát đi tín hiệu sẵn sàng trở thành một quốc gia trung lập. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn một số vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung. Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga sẽ tiếp tục việc đàm phán và theo đuổi những điểm mà hai bên đã thống nhất ở Istanbul.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm