1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine nêu rào cản trong đàm phán chấm dứt xung đột với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Cố vấn Tổng thống Nga đã nêu một trong những trở ngại lớn nhất trong quá trình đàm phán với Ukraine nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình.

Ukraine nêu rào cản trong đàm phán chấm dứt xung đột với Nga - 1

Phái đoàn Nga - Ukraine đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Getty).

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm nay 14/4, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine và là người tham gia cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, cho biết Ukraine muốn số quốc gia đóng vai trò bảo trợ an ninh cho Kiev "càng nhiều càng tốt". Tuy nhiên, Nga không muốn số quốc gia bảo trợ này tăng thêm.

Ông Podolyak cho rằng đây là một trong những rào cản chính trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. 2 nước đã tổ chức nhiều vòng đàm phán, cả trực tiếp và trực tuyến, nhưng vẫn không đạt được kết quả đột phá.

Trong cuộc đàm phán hồi tháng trước, Nga đã đưa ra đề nghị Ukraine áp dụng mô hình trung lập tương tự Áo và Thụy Điển, nghĩa là một mô hình quốc gia trung lập phi quân sự nhưng vẫn có hải quân, lục quân riêng và quy mô quân đội cũng sẽ được thảo luận.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ ý tưởng trên, thay vào đó đề xuất một mô hình riêng. Cụ thể, Kiev đồng ý trở thành quốc gia trung lập nếu có được các cam kết an ninh từ bên thứ 3, bao gồm những nước sẵn sàng đứng ra bảo vệ Ukraine trước nguy cơ bị tấn công quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, bên cam kết bảo đảm an ninh phải là những quốc gia có tầm ảnh hưởng thực sự bằng các chính sách trừng phạt và những quốc gia sẵn sàng huy động lực lượng hỗ trợ nhanh nhất có thể khi Ukraine đối mặt với các mối đe dọa.

"Chúng tôi cần sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia hàng đầu. Điều này bao gồm cả các thành viên NATO và các nước không thuộc NATO. Chúng tôi muốn có thêm những bên tham gia vào vấn đề này một cách công khai ngoài Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan", ông Zelensky nói, đồng thời cho biết, trong số các quốc gia mà Ukraine mong muốn sẽ cam kết bảo lãnh có cả Israel và Trung Quốc.

David Arakhamiya, thành viên cấp cao phái đoàn đàm phán của Ukraine, cũng nói rằng các bên đảm bảo an ninh có thể là các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như Đức, Israel, Italy, Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Zelensky đã gửi dự thảo đảm bảo an ninh cho một số nước, nhưng đến nay chưa nhận được danh sách cụ thể các nước sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine. Mặc dù vậy, ông cho biết, cố vấn của 7 nước, gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Israel, sẽ sớm gặp đại diện Ukraine để thảo luận về các điều khoản bảo lãnh an ninh cho Kiev trong trường hợp cam kết trung lập với Nga.

Ngoài các nước này, ông Zelensky nhấn mạnh, Nga cũng "cần xác định vị trí của họ trong dự thảo đó, vì đây sẽ là thỏa thuận giữa Ukraine và Nga". Theo ông, Nga "phải bị ràng buộc" với thỏa thuận, bởi vì Moscow là một bên trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Trước đây, Nga từng cho rằng Belarus, một đồng minh của Moscow, nên là một trong những quốc gia đảm bảo an ninh cho Ukraine, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đề nghị đóng vai trò trung gian giữa các nước láng giềng trong khu vực Biển Đen.

Ông Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết chính phủ Ukraine sẽ chỉ ký một thỏa thuận an ninh về các cam kết an ninh sau khi trưng cầu dân ý và một cuộc trưng cầu như vậy chỉ có thể diễn ra sau khi Nga rút quân.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine