1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga nêu cách cấp thêm khí đốt cho EU giữa "cơn khát" năng lượng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga tuyên bố có phương án chuyển thêm khí đốt cho EU trước mùa đông lạnh giá khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ.

Nga nêu cách cấp thêm khí đốt cho EU giữa cơn khát năng lượng - 1

Châu Âu hiện chưa tìm được nguồn cung khí đốt giá rẻ và ổn định như Nga (Ảnh: Reuters).

Trong bài phát biểu hôm 12/10 tại sự kiện Tuần lễ Năng lượng Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này có thể chuyển lượng khí đốt không thể đưa tới châu Âu qua 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc, sang đưa qua tuyến đường ống ở Biển Đen. Để làm được điều này, Nga sẽ lập ra một trung tâm trung chuyển khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để tăng lượng xuất khẩu mặt hàng trên cho EU.

"Chúng tôi có thể tạo ra các tuyến đường chính cung cấp nhiên liệu, khí đốt tự nhiên của chúng tôi đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra trung tâm khí đốt lớn nhất cho châu Âu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó có thể xảy ra nếu các đối tác của chúng tôi quan tâm đến điều này. Và tính khả thi về kinh tế cũng là một yếu tố được cân nhắc", ông Putin nói.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cho biết, việc sửa chữa các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 là khả thi, nhưng Nga và EU nên tự quyết định số phận của họ.

Ngày 26/9, Thụy Điển và Đan Mạch ghi nhận 4 lỗ rò rỉ trên 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) sau khi một số vụ nổ lớn tương đương vài trăm kg thuốc nổ xảy ra.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tuyên bố, cả 2 tuyến A và B của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và tuyến A của Dòng chảy phương Bắc 2 đã hư hại ở mức chưa từng có tiền lệ. Cả Nga và phương Tây đều coi đây là một vụ phá hoại có chủ đích và liên tục cáo buộc phía còn lại đứng sau sự cố với 2 đường ống.

Tuy nhiên, ông Putin cho biết, Nga vẫn có thể cung cấp khí đốt cho EU qua tuyến B của Dòng chảy phương Bắc 2 - vốn chưa bị hỏng sau vụ nổ. Tổng thống Nga nhấn mạnh, "quả bóng hiện trong chân của EU" và phương án này có thể thực hiện hay không là do mong muốn của châu Âu. Nga có thể mở van đường ống nếu EU có mong muốn, ông Putin nhấn mạnh.

Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành và tăng áp vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, Đức chưa cấp phép cho đường ống hoạt động khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang từ đầu năm tới nay.

Theo các chuyên gia, về dài hạn, triển vọng về an ninh năng lượng châu Âu đang khá u ám. Ngay cả khi các kho dự trữ của EU được lấp đầy 100% thì vẫn không đủ để châu Âu vượt qua mùa đông nếu không sử dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng và đóng cửa hoặc giảm hoạt động nhà máy, khu công nghiệp.

Châu Âu đang tăng cường nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để xoa dịu nỗi lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng có thể diễn biến trầm trọng hơn. Tuy nhiên, nguồn LNG từ Mỹ không ổn định và giá thành không rẻ như khí đốt chảy qua đường ống mà Nga bán.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 10/10 nói rằng, Mỹ đang bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU với giá đắt gấp 4 lần trong nước và đây là điều "không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 5/10 nhận định, Mỹ và một số nhà cung cấp thân thiện với Berlin đang bán khí đốt với giá "cao ngất ngưởng", dường như ám chỉ họ đang hưởng lợi từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm