DMagazine

Tình thế như lửa đốt của châu Âu sau vụ Dòng chảy phương Bắc bị rò rỉ

(Dân trí) - Vụ việc 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc bị rò rỉ đã đặt ra hàng loạt thách thức, khiến châu Âu lo lắng về cả an ninh năng lượng trong mùa đông và sự an toàn của cơ sở hạ tầng trọng yếu.

TÌNH THẾ NHƯ LỬA ĐỐT CỦA CHÂU ÂU SAU VỤ DÒNG CHẢY PHƯƠNG BẮC BỊ RÒ RỈ

Vụ việc 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc bị rò rỉ đã đặt ra hàng loạt thách thức, khiến châu Âu lo lắng về cả an ninh năng lượng trong mùa đông và sự an toàn của cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Ngày 26/9, Thụy Điển và Đan Mạch ghi nhận sự cố rò rỉ 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) sau khi một số vụ nổ lớn tương đương vài trăm kg thuốc nổ xảy ra.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tuyên bố, cả 2 tuyến A và B của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và tuyến A của Dòng chảy phương Bắc 2 đã hư hỏng ở mức chưa từng có tiền lệ và họ hiện không thể ước tính được thời điểm nào có thể sửa chữa xong.

Có tổng cộng 4 lỗ rò rỉ lớn trên đường ống chạy từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Rất nhiều nghi vấn được đặt ra, song cả Nga và phương Tây đều nhất trí ở một điểm rằng, đây dường như là một vụ phá hoại có chủ đích.

Theo giới quan sát, một cuộc chiến thông tin sau đó đã bùng phát, khi các bên lần lượt tung ra bằng chứng nghi ngờ đối phương có liên quan tới vụ việc.

Mặt khác, các chuyên gia nhận định, một trong những phía đang gặp bất lợi trong tình huống hiện tại chính là châu Âu, trong bối cảnh khu vực này đang căng mình đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi mùa đông sắp tới gần.

BÍ ẨN BAO TRÙM

Tình thế như lửa đốt của châu Âu sau vụ Dòng chảy phương Bắc bị rò rỉ - 1

Bốn lỗ rò rỉ (điểm màu đỏ) trên 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc (Đồ họa: Guardian).

Vụ rò rỉ ở các vị trí tương đối gần nhau, xảy ra vào cùng thời điểm và nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ đã làm bùng lên những giả thuyết.

Phía Nga nói rằng, khu vực xảy ra sự cố nằm trong khu vực kiểm soát của tình báo Mỹ trên biển Baltic. Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho rằng, Moscow đã có những bằng chứng "chỉ ra dấu vết của phương Tây trong việc tổ chức và thực hiện các vụ việc".

Phương Tây bác bỏ lời cáo buộc nói trên. Truyền thông Mỹ cũng dẫn các nguồn tin nói rằng, giới chức an ninh châu Âu hôm 26/9 và 27/9 đã phát hiện ra tàu của Nga gần khu vực xảy ra rò rỉ. Tuy nhiên, Nga cũng có lãnh thổ giáp biển Baltic nên việc tàu của họ hoạt động định kỳ ở đây là việc bình thường và sự xuất hiện này không thể được xem là bằng chứng để kết luận Nga có liên quan tới vụ việc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 29/9 cũng nói rằng, còn quá sớm để kết luận về việc ai đứng sau vụ rò rỉ 2 đường ống khí đốt.

"Về vụ tấn công, tại thời điểm này, tôi nghĩ rằng có rất nhiều suy đoán. Nhưng thành thật mà nói, cho đến khi một cuộc điều tra hoàn chỉnh được thực hiện, không ai có thể thực sự xác định chắc chắn điều gì đã xảy ra", ông Austin cho biết.

Hai đường ống khí đốt từ Nga sang Đức bị rò rỉ

Theo Newsweek, trong bối cảnh Nga - phương Tây đang căng thẳng trong cuộc chiến ở Ukraine, vụ rò rỉ 2 đường ống khí đốt có thể sẽ khiến tình hình thêm phức tạp hơn. Thêm vào đó, việc Nga sáp nhập 4 vùng ở Đông và Nam Ukraine cuối tháng trước được cho sẽ tiếp tục đẩy cuộc khủng hoảng lên một nấc thang mới.

Trước đó, Mỹ và châu Âu nhiều lần cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung năng lượng để gây áp lực nhằm làm suy giảm sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine. Nga nhiều lần bác bỏ điều trên, cho rằng chính các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Moscow mới là nguyên nhân khiến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 không thể vận hành như bình thường.

Theo giới quan sát, việc 2 đường ống khí đốt bị rò rỉ có thể được xem là một bất lợi cho Nga, khi họ bị mất đi lá bài quan trọng trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.

Một nghị sĩ Nga ước tính thời gian sửa chữa 2 đường ống khí đốt có thể tốn ít nhất 6 tháng hoặc thậm chí lâu hơn như vậy. Vì vậy, Moscow dường như sẽ mất đi cơ hội để sử dụng việc đóng mở van đường ống khí đốt như là công cụ đàm phán khi châu Âu sắp bước vào mùa đông lạnh giá và chiến sự ở Ukraine đang leo thang dồn dập những tuần qua.

NỖI LO AN NINH NĂNG LƯỢNG CỦA CHÂU ÂU

Tình thế như lửa đốt của châu Âu sau vụ Dòng chảy phương Bắc bị rò rỉ - 2

Mặt biển Baltic sủi bọt vì vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc (Ảnh: Reuters).

Châu Âu, khách hàng mua khí đốt hàng đầu của Nga, cũng gặp phải bất lợi lớn không kém.

Báo cáo ngày 30/9 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Mỹ) chỉ ra, các vụ rò rỉ 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc sẽ tác động hạn chế về ngắn hạn với nguồn cung khí đốt của châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc 1 đã bị Nga đã khóa van từ cuối tháng 8 sau khi Moscow viện dẫn lỗi kỹ thuật xảy ra vì các lệnh trừng phạt do phương Tây ban hành. Nga tuyên bố, chỉ khi phương Tây gỡ lệnh trừng phạt, đường ống này mới có thể được sửa chữa và vận hành trở lại. Trong khi đó, Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành và tăng áp vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, Đức chưa cấp phép cho đường ống hoạt động khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Gazprom cho biết, tuyến B của Dòng chảy phương Bắc 2 không bị hỏng sau vụ rò rỉ trên 2 đường ống xảy ra hồi đầu tuần trước. Trong khi đó, tuyến A và cả 2 tuyến của Dòng chảy phương Bắc 1 đều đã gặp sự cố. Vì vậy, Nga nói rằng, nước này vẫn có khả năng chuyển khí đốt thẳng sang châu Âu qua biển Baltic bằng tuyến B của Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, phương án này hiện khó có thể xảy ra. 

Về dài hạn, theo CSIS, triển vọng về an ninh năng lượng châu Âu đang khá u ám. Sau một khoảng thời gian giá khí đốt giảm đôi chút từ mức đỉnh, chỉ số này đã tăng vọt sau khi vụ rò rỉ xảy ra khi thị trường lo ngại nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới.

RT nhận định, việc Dòng chảy phương Bắc 1 bị rò rỉ nghiêm trọng dường như đã dập tắt mọi hy vọng của châu Âu rằng đường ống này có thể được mở van trở lại trong mùa đông này. 

Nga hiện chỉ còn chuyển khí đốt sang Tây Âu bằng đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và tập đoàn Naftogaz của Ukraine đang đối mặt trong một cuộc tranh chấp pháp lý về việc cung cấp khí đốt qua đường ống, gây ra lo ngại viễn cảnh dòng khí đốt từ Nga chảy sang châu Âu sẽ tiếp tục giảm khi mùa đông sắp tới.

Naftogaz đã cáo buộc Gazprom không trả phí vận chuyển, nhưng công ty Nga cho biết họ sẽ không trả tiền cho các dịch vụ chưa được cung cấp.

Naftogaz muốn tranh chấp được giải quyết tại Thụy Sĩ - quốc gia mà Gazprom cho là "không thân thiện" với Nga, do nước này ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Gazprom cảnh báo có thể trừng phạt công ty Ukraine nếu Naftogaz tiếp tục theo đuổi vụ việc.

Nếu dòng khí đốt của Nga sang châu Âu tiếp tục giảm, đây sẽ là một thách thức lớn với an ninh năng lượng của châu lục này, bất chấp việc kho dự trữ của EU đã đầy 80%, vượt qua mục tiêu khối đặt ra trước mùa đông.

Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne nhận định: "Nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt vào mùa đông năm nay, sẽ không có đủ khí đốt cho châu Âu. Không có nguồn cung thay thế ngay lập tức để bù đắp".

Tình thế như lửa đốt của châu Âu sau vụ Dòng chảy phương Bắc bị rò rỉ - 3

Vụ rò rỉ tại Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 có thể phải mất nhiều tháng để khắc phục hậu quả (Ảnh: Reuters).

CSIS cũng đồng tình với nhận định trên, khi cho rằng, ngay cả khi các kho dự trữ của EU được lấp đầy 100% thì điều này cũng là không đủ để châu Âu vượt qua mùa đông nếu không sử dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng và đóng cửa/giảm hoạt động nhà máy, khu công nghiệp.

Châu Âu đang tăng cường nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để xoa dịu nỗi lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng có thể diễn biến trầm trọng hơn. Bloomberg hồi tháng 6 cho biết, châu Âu đã vượt châu Á trở thành bên mua LNG nhiều nhất của Mỹ.

Tuy nhiên, Financial Times dẫn nguồn tin từ các quan chức trong ngành đá phiến Mỹ nhận định, các công ty Mỹ dường như khó có thể tăng hỗ trợ EU bằng cách tăng sản lượng khai thác.

Quan điểm từ các doanh nghiệp Mỹ là họ không thể tăng thêm sản lượng khai thác để bù đắp nguồn cung cho châu Âu do thiếu hụt từ Nga. Các nhà đầu tư không muốn xây thêm giàn khoan để khai thác vì nguồn vốn có sẵn hạn chế, và không có cách nào để chắc chắn rằng giá sẽ ở mức cao đủ lâu để bù đắp cho chi phí khoan giếng mới, chuyên gia Ben Dell, từ công ty Kimmeridge Energy, nhận định.

Mặt khác, giá khí đốt mà Mỹ bán cho châu Âu cao hơn rất nhiều nếu so với Nga. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 5/10 cho rằng Mỹ và một số nhà cung cấp thân thiện với Berlin đang bán khí đốt với giá "cao ngất ngưởng". 

Điều này đặt ra thách thức lớn cho châu Âu vì họ chưa thể tìm được nguồn thay thế ổn định, giá thành hợp lý cho khí đốt Nga trong một thời gian quá ngắn.

Hôm 30/9, quan chức năng lượng EU Kadri Simson nhận định: "Cả tôi và các bộ trưởng (năng lượng) EU lo ngại rằng mùa đông năm nay sẽ không trôi qua dễ dàng và mùa đông năm sau sẽ còn khó khăn hơn nữa". 

Theo Gazprom, lượng khí đốt của Nga cấp cho EU đã giảm tới 48% trong năm nay. Diễn biến này kéo theo lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu gần đây đạt mức hai con số lần đầu tiên trong lịch sử. RT cho hay, lượng khí đốt trong tương lai cho châu Âu có thể giảm tiếp khi chưa có lịch trình cụ thể cho việc sửa chữa Dòng chảy phương Bắc 1, cũng như số phận của Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này đồng nghĩa với việc năm sau châu Âu sẽ gặp khó trong việc tích trữ khí đốt cho mùa đông tới. 

RỦI RO VỚI CƠ SỞ HẠ TẦNG TRỌNG YẾU

Tình thế như lửa đốt của châu Âu sau vụ Dòng chảy phương Bắc bị rò rỉ - 4

Nhà máy xử lý khí đốt Karsto ở Tysvær, Rogaland, Na Uy (Ảnh: Getty).

Theo CSIS, mối quan tâm cấp thiết nhất lúc này của châu Âu là an ninh của các cơ sở hạ tầng trọng yếu khác khi vụ rò rỉ 2 đường Dòng chảy phương Bắc đã phơi bày sự dễ tổn thương của các công trình quan trọng chạy dưới đáy biển. Ngoài Nga, Na Uy cũng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống chạy dưới đáy biển.

Theo Guardian, các nước NATO đang thúc đẩy việc tăng cường biện pháp an ninh với không chỉ các đường ống ngầm mà còn là hệ thống cáp viễn thông dưới đáy biển.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre đã chỉ thị tăng cường quân đội và lực lượng an ninh tuần tra tại các giàn khoan và đường ống dẫn dầu và khí đốt của đất nước sau vụ nổ. Đầu tuần trước, khi 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc xảy ra sự cố, Cơ quan An toàn Dầu mỏ Na Uy đã ghi nhận vụ việc các máy bay không người lái không xác định bay gần các giàn khoan dầu khí ngoài khơi Na Uy. Ông Støre mô tả hoạt động của máy bay này là "bất thường".

Na Uy là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu và sở hữu gần 9.000 km đường ống. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong nguồn cung, có thể tiếp tục làm trầm trọng cuộc khủng hoảng năng lượng. Đồng thời, theo Guardian, sự cố vỡ các đường ống đang hoạt động sẽ dẫn đến một thảm họa sinh thái. Oslo đã yêu cầu sự giúp đỡ từ các đồng minh NATO trong việc giúp tuần tra cơ sở hạ tầng của họ.

Đô đốc Ben Key của Hải Quân Anh nhận định: "Phản ứng của Na Uy là có thể hiểu được. Có một lỗ hổng an ninh lớn với hệ thống cơ sở hạ tầng nằm dưới đáy biển, như đường ống dẫn khí đốt, cáp dữ liệu. Nó đặt ra bài toán về việc phải có phương tiện giám sát và cung cấp an ninh xung quanh chúng".

Ông Key thừa nhận, các cơ sở hạ tầng dưới đáy biển đang là một trong những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng nhất mà châu Âu đang phải tìm cách đối phó.

Phương Tây đặc biệt dễ bị tổn thương do phụ thuộc vào các tuyến cáp ngầm mang hơn 90% lưu lượng truy cập internet trên thế giới. Nếu những sợi cáp đó bị cắt đứt, nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhiều mặt, ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Trong khi đó, theo Guardian, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của Nga nằm phần lớn trên đất liền.

Tham mưu trưởng quốc phòng Anh Tony Radakin cho biết: "Hệ thống thông tin liên lạc của thế giới phụ thuộc vào những tuyến cáp đó. Những hệ thống này rất, rất nhạy cảm và cần đầu tư thêm các biện pháp bảo vệ".

Trong vài năm qua, phương Tây cho biết, một số tàu ngầm của Nga đã bị phát hiện gần khu vực đặt tuyến cáp và đường ống quan trọng dưới đáy biển. Nga có các tàu ngầm mini chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng hoạt động ở độ sâu 1.000m, được trang bị vũ khí hiện đại. Phương Tây cho biết, họ vẫn đang tích cực theo dõi những hoạt động tại các khu vực nhạy cảm trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng. 

Ngoài ra, Mỹ, dù ở cách châu Âu một đại dương, nhưng an ninh của các cơ sở hạ tầng năng lượng của Washington cũng được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới châu lục trên.

Tình thế như lửa đốt của châu Âu sau vụ Dòng chảy phương Bắc bị rò rỉ - 5

Vụ hỏa hoạn tại Freeport LNG cho thấy sự dễ tổn thương của châu Âu trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định (Ảnh: ABC).

Hồi tháng 6, một vụ hỏa hoạn đã làm tê liệt cơ sở Freeport LNG chuyên sản xuất khí hỏa lỏng ở Texas, Mỹ. Vụ việc đã làm nổi bật sự dễ tổn thương của châu Âu đối với bất cứ sự gián đoạn nào về nguồn cung năng lượng. Theo CSIS, Freeport ngừng hoạt động đã làm giảm 17% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ và làm giá khí đốt tại EU tăng 12%.

Ngoài tác động vật lý, nguy cơ bị tấn công mạng cũng có thể khiến cơ sở hạ tầng của Mỹ dễ bị tổn thương. Mỹ hiện là nhà cung cấp LNG lớn hàng đầu cho châu Âu và các vụ tấn công mạng nhằm vào cơ sở LNG của Washington có thể tác động mạnh tới nguồn cung cho châu lục trên.

CSIS nhận định, việc giải quyết các lỗ hổng lớn trong hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu sẽ đòi hỏi sự đầu tư đáng kể và hợp tác xuyên Đại Tây Dương. An ninh năng lượng cho châu Âu sẽ ngày càng đòi hỏi việc phải đảm bảo và duy trì cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả ở Mỹ.

 Đức Hoàng

Theo Guardian, Newsweek, Financial Times, CSIS

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine