1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nêu 4 kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức an ninh Nga tái khẳng định quyền sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời nêu 4 khả năng Moscow sử dụng vũ khí này.

Nga nêu 4 kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân - 1

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Dmitry Medvedev (Ảnh: Tass).

Trong cuộc phỏng vấn ngày 26/3, ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đã nhắc lại học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó có kịch bản Moscow không bị tấn công trước bằng vũ khí hạt nhân.  

"Chúng tôi có một tài liệu đặc biệt về răn đe hạt nhân. Tài liệu này chỉ rõ những cơ sở mà căn cứ vào đó, Liên bang Nga được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân. Cơ sở đầu tiên là tình huống Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga", ông Medvedev cho biết.

"Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân", ông Medvedev nói thêm.

Theo ông Medvedev, năng lực răn đe hạt nhân của Nga thể hiện "quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước", để không ai có thể nghi ngờ về việc Nga "sẵn sàng đáp trả thích đáng mọi hành vi xâm phạm đến nền độc lập của đất nước".

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người đã vắng bóng trong 12 ngày trước khi tái xuất hôm 25/3 và có bài phát biểu trước các tướng lĩnh Nga, cũng nói về mối đe dọa hạt nhân trong kho vũ khí của Nga. Ông Shoigu nhấn mạnh ưu tiên của Nga là các vũ khí tầm xa, vũ khí có khả năng tấn công chính xác cao, thiết bị máy bay, đồng thời Moscow luôn duy trì sự sẵn sàng của lực lượng hạt nhân chiến lược.

Nga hiện có khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân - kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Lực lượng răn đe của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công. 

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ hôm 22/3, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết chính sách an ninh của Nga quy định rằng, Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa. Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra khi phóng viên liên tục hỏi ông "có tin rằng", Tổng thống Putin sẽ không quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khi đó, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc hôm 23/3 cũng đề cập đến khả năng Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị NATO khiêu khích.

Vài ngày sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Putin hôm 28/2 tuyên bố đặt các lực lượng hạt nhân chiến lược trong tình trạng báo động cao. Động thái này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân và vấp phải sự chỉ trích của phương Tây.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, đây là một quyết định "nguy hiểm" và sẽ làm trầm trọng căng thẳng ở Ukraine. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo điều đó thể hiện sự leo thang "hoàn toàn không thể chấp nhận được". 

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine