1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ sẽ tham vấn đồng minh về kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ sẽ tham vấn các đồng minh và đối tác về những kịch bản buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine diễn biến phức tạp.

Mỹ sẽ tham vấn đồng minh về kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân - 1

Mỹ phóng thử tên lửa phi đạn đạo siêu thanh Arrow-3. (Ảnh: AFP)

Sputnik đưa tin, tại một cuộc họp báo ngày 22/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington sẽ thảo luận với các đồng minh và đối tác về kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Ngay từ những ngày đầu khi xung đột (Nga - Ukraine) nổ ra, Tổng thống Putin đã đưa ra kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân, điều mà chúng tôi rất quan ngại. Dựa vào các phân tích hiện tại, chúng tôi quyết định chưa thay đổi trạng thái của lực lượng hạt nhân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn liên tục theo dõi nguy cơ xảy ra các tình huống bất ngờ và tất nhiên xem xét nó một cách nghiêm túc. Chúng tôi sẽ tham vấn các đồng minh và đối tác về những tình huống bất ngờ đó cũng như cách thức phản ứng", ông Sullivan nói.

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đặt lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này trong tình trạng báo động cao nhằm đáp trả những tuyên bố "thù địch" của các quan chức NATO. Giới quan sát khi đó nhận định, động thái này của chủ nhân Điện Kremlin nhằm "nắn gân" phương Tây khi Mỹ và các nước châu Âu liên tục áp các lệnh trừng phạt Moscow để phản đối chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 22/3 cho biết, chính sách an ninh của Nga quy định rằng, Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí này nếu sự tồn vong của đất nước bị đe dọa.

"Chúng tôi có khái niệm về an ninh nội địa và khái niệm này được công khai, trong đó nêu tất cả trường hợp cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, nếu có mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước của chúng tôi, thì kho vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng theo cách của chúng tôi", ông Peskov nói.

Lực lượng răn đe của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công. Theo định nghĩa của Nga, các lực lượng này được thiết kế để "ngăn chặn các hành động xâm lược nhằm vào Nga và các đồng minh của Nga, cũng như để đánh bại kẻ xâm lược, kể cả trong một cuộc chiến có sử dụng vũ khí hạt nhân".

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng leo thang. Mỹ và các đồng minh đã tung ra các lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm gây sức ép với Moscow. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này có chuyến công du tới châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh NATO, EU và G7. Một trong những chủ đề chính của chuyến công du là thảo luận với các đồng minh, đối tác của Mỹ về việc tăng cường trừng phạt Nga.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine