1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga lên tiếng việc Ukraine thay đổi lập trường hòa đàm

Minh Phương

(Dân trí) - Điện Kremlin một lần nữa khẳng định Ukraine cần xét đến tình hình thực tế đã thay đổi đáng kể sau khi Moscow mở "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Nga lên tiếng việc Ukraine thay đổi lập trường hòa đàm - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: TASS).

"Tình hình địa chính trị đã thay đổi đáng kể kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Biên giới của cả Ukraine và Nga đã thay đổi", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/3 cho biết.

Ông lưu ý thêm rằng Nga đã sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, và đó là thực tế "không thể bỏ qua".

Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông đầu tuần này đã phát tín hiệu rằng khôi phục đường biên giới năm 1991 không còn là điều kiện tiên quyết của Ukraine để nối lại hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột với Nga.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng, Kiev cần phải giành lại lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022. Các vùng lãnh thổ này không bao gồm bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập năm 2014.

"Chúng ta sẽ không phải giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình bằng biện pháp quân sự… Tôi chắc chắn rằng khi Nga mất đi những gì đã kiểm soát kể từ tháng 2/2022, họ sẽ hoàn toàn mất đi niềm tin", ông Zelensky nói.

Theo hãng tin RT phát biểu này của ông Zelensky dường như phát tín hiệu rằng Ukraine không còn coi việc khôi phục đường biên giới năm 1991 là điều kiện tiên quyết để hòa đàm với Nga ngay cả khi ông tiếp tục thúc đẩy công thức hòa bình 10 điểm của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng sự thay đổi trong lập trường của Tổng thống Zelensky là do ông "lo lắng". 

"Ông ấy đang lo lắng. Ông ấy sắp có một cuộc bầu cử? Hay không có bầu cử", bà Zakharova viết trên Telegram.

Bầu cử tổng thống Ukraine lẽ ra phải được tổ chức vào ngày 31/3. Tuy nhiên, Ukraine quyết định hoãn bầu cử do thiết quân luật và tổng động viên. Ông Zelensky cho rằng, hiện giờ không phải lúc thích hợp để bầu cử.

Hôm 29/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, Moscow có thể không công nhận ông Zelensky là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ukraine sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 21/5.

Điện Kremlin nhiều lần khẳng định, Nga không bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine, song Kiev cần chấp nhận tình hình thực tế. Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc Nga đã sáp nhập một số vùng lãnh thổ của Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nêu rõ, nếu Ukraine muốn đàm phán, họ trước tiên phải hủy sắc lệnh cấm hòa đàm với chính quyền của ông.

Cuối năm 2022, ông Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của người đồng cấp Nga Putin. Ông cũng đưa ra bản kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường lãnh thổ năm 1991 của Ukraine.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba gợi ý, Kiev có thể đàm phán với Moscow sau hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức (chưa ấn định thời gian). Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Pesksov tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận những quy tắc do người khác áp đặt.

Theo RT, Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine