1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Ukraine bác đàm phán, từ chối mời Nga dự hội nghị hòa bình

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ ý tưởng của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc tổ chức một hội nghị hòa bình có sự tham gia của Nga.

Tổng thống Ukraine  bác đàm phán, từ chối mời Nga dự hội nghị hòa bình - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi không thấy đại diện của Nga tại một hội nghị thượng đỉnh như vậy là cần thiết", ông Zelensky nói trong cuộc họp chung với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul ngày 9/3.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhắc lại luận điểm cũ của ông rằng một kế hoạch hòa bình nên được các nước khác chuẩn bị mà không có sự tham gia của Nga.

Ông Zelensky nhiều lần nêu rõ, Kiev chỉ đàm phán khi Moscow chấp nhận các yêu cầu của Ukraine trên cơ sở "công thức hòa bình" 10 điểm mà ông nêu ra cuối năm 2022.

Về phần mình, Tổng thống Erdogan cho biết, Ankara sẵn sàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về Ukraine có sự tham gia của Nga. "Chúng tôi sẵn sàng tổ chức hội nghị hòa bình với sự tham gia của nga", ông nói.

 Ông bình luận thêm, Sáng kiến Biển Đen (thỏa thuận giữa Nga và Ukraine cho phép tạo hành lang an toàn cho tàu vận chuyển ngũ cốc ra, vào cảng Ukraine giữa lúc xung đột) đã giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, thỏa thuận đã bị đình chỉ từ mùa hè năm ngoái.

"Chúng tôi sẵn sàng đóng góp mọi sự hỗ trợ để thiết lập một thỏa thuận mới tương tự", ông Erdogan cho hay.

Trong một diễn biến liên quan khác, báo South China Morning Post dẫn nguồn thạo tin ngày 8/3 cho hay, ở hậu kỳ, Trung Quốc được cho là đã vận động giới chức châu Âu về việc tổ chức một hội nghị hòa bình Ukraine có sự tham gia của Nga.

Tháng trước, Thụy Sĩ thông báo kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình vào mùa hè năm nay. Thời gian và thành phần tham dự hội nghị chưa được tiết lộ, song Ukraine nêu quan điểm rằng Nga chỉ được mời dự nếu chấp nhận một loạt điều kiện tiên quyết.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây nói rằng: "Khởi động đàm phán càng sớm, hòa bình càng sớm thiết lập. Ngược lại, nếu không có đàm phán hòa bình, điều này có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng thậm chí lớn hơn".

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, song cáo buộc Kiev cản trở triển vọng này khi Tổng thống Zelensky đưa ra lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Điện Kremlin, cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay có thể giải quyết bằng giải pháp hòa bình nếu Kiev thừa nhận "thực tế mới" và mọi đề nghị của Moscow.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, nếu Ukraine muốn bắt đầu đàm phán, trước tiên họ phải hủy bỏ sắc lệnh của Tổng thống Zelensky.

Ngược lại, Moscow nhấn mạnh, nếu Ukraine càng kéo dài thời gian, các điều kiện đàm phán về sau sẽ càng trở nên khó khăn và bất lợi hơn cho Kiev.

Ngoài ra, Nga cũng cảnh báo, nếu phương Tây đem quân vào Ukraine, đó sẽ bị coi là một lời tuyên chiến với Moscow và có thể kéo theo một cuộc xung đột hạt nhân.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine