1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Đức nêu điều kiện cho hòa đàm Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, hòa bình có thể đạt được bất cứ lúc nào nếu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Thủ tướng Đức nêu điều kiện cho hòa đàm Nga - Ukraine - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 28/3 tiết lộ, một số quốc gia, trong đó có Ukraine, đang thảo luận ở cấp cố vấn an ninh về các điều kiện có thể dẫn đến hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, "hòa bình có thể đạt được bất cứ lúc nào" nếu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

"Hãy để tôi nói rõ một điều: hòa bình có thể đạt được bất cứ lúc nào, chỉ cần Nga dừng chiến dịch quân sự và rút quân", nhà lãnh đạo Đức nói.

Nga nhiều lần khẳng định để ngỏ đàm phán với Ukraine với điều kiện Kiev thừa nhận tình hình thực tế, nói cách khác là thừa nhận sự kiểm soát của Nga đối với một số vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 10/2022 đã ký ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.

Triển vọng nối lại hòa đàm giữa hai nước hiện vẫn mờ mịt.

Đáp lại bình luận của Thủ tướng Đức, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, các cuộc đàm phán mà ông Scholz đề cập đến đều không có sự tham gia của Nga. Moscow nêu rõ, bất cứ đàm phán nào về hòa bình ở Ukraine mà không có Nga đều vô nghĩa.

Ông Peskov cũng khẳng định tuyên bố của thủ tướng "không làm thay đổi bản chất của các sự kiện đang diễn ra", đồng thời nhắc lại rằng Đức vẫn là một trong những nước ủng hộ nổi bật nhất của Kiev.

Quan chức Điện Kremlin nói, mặc dù các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) có quan điểm khác nhau về mức độ can dự vào cuộc khủng hoảng Ukaine, nhưng "điều này không làm thay đổi cách tiếp cận chủ đạo ở châu Âu rằng cần chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng".

Cũng bàn luận về giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder chỉ ra, đàm phán với Nga là cách duy nhất. Ông Schroeder nói, mối quan hệ cá nhân giữa ông và Tổng thống Nga Putin có thể góp phần vào tiến trình đó.

Cựu Thủ tướng Schroeder và Tổng thống Putin có mối quan hệ thân thiết khi ông Schroeder đứng đầu chính phủ Đức vào cuối những năm 1990.

Năm 2014, Tổng thống Putin tham dự bữa tiệc sinh nhật của ông Schroeder ở St. Petersburg. Sau đó, ông Schroeder gia nhập ban giám đốc của công ty điều hành đường ống dẫn khí Nord Stream và tập đoàn năng lượng Rosneft.

Ông Schroeder bị phản ứng về mối quan hệ với Nga sau khi xung đột Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Ông đã từ chức khỏi hội đồng quản trị Rosneft vào tháng 5 năm đó.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc duy trì tình bạn với Tổng thống Putin trong bối cảnh xung đột Ukraine, cựu Thủ tướng Đức khẳng định đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác biệt.

Ông tin rằng, mối liên hệ với giới lãnh đạo Nga sẽ có ý nghĩa quan trọng trong các cuộc hòa đàm Nga - Ukraine trong tương lai.

"Chúng tôi đã làm việc với nhau một cách hợp lý trong nhiều năm. Có lẽ điều đó vẫn có thể giúp tìm ra giải pháp thương lượng. Cách duy nhất để chấm dứt xung đột là đàm phán. Rõ ràng cuộc chiến này không thể kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của bên này hay bên kia", ông nói.

Ông Schroeder từng đến Nga, Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, nỗ lực đó của ông chưa mang lại kết quả.

Theo RT, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine