1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga lần đầu mổ xẻ "bộ não" của tên lửa ATACMS Mỹ cấp cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Nga cho biết nước này đang xem xét hệ thống dẫn đường của tên lửa thông minh ATACMS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine.

Nga lần đầu mổ xẻ bộ não của tên lửa ATACMS Mỹ cấp cho Ukraine - 1

Thiết bị được mô tả là hệ thống dẫn đường của tên lửa ATACMS mà chuyên gia Nga đang "mổ xẻ" (Ảnh: Sputnik).

Một chuyên gia quân sự Nga nói với Sputnik rằng Moscow đang nghiên cứu hệ thống dẫn đường và điều chỉnh đường bay của tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất.

Theo Sputnik, đây là lần đầu tiên mà Nga "mổ xẻ" bộ phận được xem như "bộ não" của tên lửa này.

"Có 3 con quay hồi chuyển laser dạng vòng trong hệ thống dẫn đường của tên lửa. Chúng cho phép tên lửa đi theo quỹ đạo đạn đạo đã định sẵn. Ngoài ra, còn có một ăng-ten GPS, nhờ đó tên lửa được điều chỉnh đường bay ở giai đoạn đầu và các giai đoạn cuối của quỹ đạo đạn đạo. Chúng tôi có thể phân tích hoạt động của hệ thống tên lửa trong toàn bộ giai đoạn của quỹ đạo bay", chuyên gia trên nói, nêu ra lợi ích của việc nghiên cứu bộ phận dẫn đường.

Hiện chưa rõ Nga thu được bộ phận dẫn đường trong tên lửa trên bằng cách nào. Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.

Nếu Nga có thể tìm hiểu cơ chế hoạt động và dẫn đường của ATACMS, Moscow có thể tìm ra cách để đánh chặn hiệu quả tên lửa này. Đây có thể là một tin không tích cực với Ukraine khi ATACMS được xem là một trong những vũ khí hiệu quả hàng đầu của Kiev trong thời gian qua. 

Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa đạn đạo ATACMS cho Ukraine vào năm 2023.

Với trọng lượng hơn 1,6 tấn, dài 4m và đường kính 610mm, ATACMS có thể bay ở tốc độ lên tới 1km/s ở trần bay khoảng 50km. Sử dụng thiết bị dẫn đường sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS, tên lửa này có sai số rất nhỏ dù có thể tấn công mục tiêu ở xa tới 300km.

Mỹ từng gửi ATACMS với tầm bắn 150km vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, phiên bản tên lửa được gửi gần đây có thể bay được tới 300km, đặt các mục tiêu có giá trị cao hơn của Nga vào tầm ngắm của Ukraine.

Ukraine được cho đã nhiều lần tấn công Nga bằng ATACMS trong thời gian qua, gây ra một số thiệt hại cho đối phương.

Vào giữa tháng 4, Ukraine tuyên bố đã tấn công căn cứ quân sự Dzhankoi, ở phía bắc Crimea, bao gồm cả bệ phóng phòng không S-400, mà không nêu chi tiết về loại vũ khí được sử dụng. Một quan chức cấp cao của Mỹ sau đó nói với Times rằng ATACMS đã được triển khai.

Vào tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ ra ATACMS là vũ khí chính để nhắm mục tiêu vào các sân bay của Nga ở Crimea.

"Khi Nga biết chúng tôi có thể phá hủy những máy bay phản lực này, họ sẽ không tấn công từ Crimea nữa", ông Zelensky nói với Washington Post.

"Nó giống như hạm đội trên biển. Chúng tôi đã đẩy họ ra khỏi lãnh hải của mình. Bây giờ chúng tôi sẽ đẩy họ ra khỏi các sân bay ở Crimea", ông tuyên bố.

Được phát triển bởi tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin từ năm 1986, tính đến nay, khoảng 3.700 tên lửa ATACMS đã được sản xuất và đưa vào phục vụ trong biên chế của quân đội Mỹ cùng một số quốc gia đồng minh. 

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine