1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Mỹ không cho phép dùng ATACMS tấn công vào Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào Nga, nhưng với những giới hạn nhất định, như không được dùng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) tấn công xuyên biên giới.

Lý do Mỹ không cho phép dùng ATACMS tấn công vào Nga - 1

Một Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) (Ảnh: Getty).

Giới chức Mỹ tuần trước cho biết, Tổng thống Joe Biden đã bật đèn xanh cho Ukraine tấn công vào đất Nga bằng một số vũ khí do Mỹ tài trợ để giúp Kiev chống lại cuộc tấn công của Moscow vào khu vực Kharkov.

Trong chuyến công du Cộng hòa Séc cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, Ukraine đã nhiều tuần yêu cầu sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại các lực lượng trong lãnh thổ Nga sau khi Moscow mở mặt trận mới ở Kharkov.

Bình luận về sự thay đổi chính sách quan trọng từ Washington, Ngoại trưởng Blinken nói: "Chúng tôi đã điều chỉnh, chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống và vũ khí mà nước này cần".

Tuy nhiên, Mỹ vẫn không cho phép các cuộc tấn công tầm xa, bao gồm cả tấn công bằng tên lửa ATACMS phóng từ mặt đất.

Đối với một số người, quyết định này của Washington là hợp lý, song số khác cho rằng điều đó đang cản trở Ukraine khi họ thực sự cần đột phá.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Âu, lập luận rằng động thái này cho thấy "nỗi sợ hãi quá mức" ở Washington về kịch bản Nga bằng cách nào đó sẽ leo thang xung đột.

Ông cho rằng, ưu tiên hàng đầu là quản lý căng thẳng leo thang, song ông ủng hộ việc cho phép Ukraine sử dụng ATACMS nhắm vào các mục tiêu quan trọng của Nga.

Trong khi đó, Daniel Rice, cựu cố vấn quân sự Ukraine, nhận định quyết định từ chối cho Ukraine dùng ATACMS tấn công vào Nga là cần thiết để tránh một cuộc khủng hoảng hạt nhân.

"Ukraine không có vũ khí hạt nhân, nhưng với việc vũ khí đạn đạo do Mỹ sản xuất đang nhắm tới Nga, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra", ông Rice giải thích. Ông nói, Ukraine đang nhắm đến các radar của Moscow được thiết kế để phát hiện các cuộc tấn công hạt nhân, và điều này có thể kéo theo hiểu lầm là tấn công hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu Hoàng gia có trụ sở tại London, cho biết mặc dù ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật nhưng chúng nhỏ hơn rất nhiều so với tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và Nga biết Ukraine không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Không rõ liệu khả năng tấn công tầm xa của Ukraine có được giới chức Mỹ đưa ra thảo luận trong những tuần tới hay không khi Ukraine đang chuẩn bị cho một làn sóng tấn công tiềm tàng khác của Nga nhằm làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của Kiev ở phía bắc.

Ukraine hiện có thể sử dụng tên lửa tầm ngắn do Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) bắn tới một khoảng cách nhất định vào một số căn cứ trên lãnh thổ Nga khi Moscow chuẩn bị tấn công vào vùng đông bắc Ukraine.

Nếu Mỹ "cởi trói" cho ATACMS, tầm tấn công của Ukraine có thể mở rộng đến các căn cứ không quân dành cho máy bay ném bom chiến đấu và máy bay trực thăng nằm ngoài tầm với của HIMARS ở một số khu vực phía nam nước Nga, như Voronezh.

Ukraine đã nhận được một số hệ thống ATACMS kể từ mùa thu năm 2023, giúp Kiev có hỏa lực tập kích các mục tiêu có giá trị cao của Nga nằm xa chiến tuyến.

Vào cuối tháng 4, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan xác nhận, Tổng thống Joe Biden đã ủy quyền gửi "một số lượng đáng kể tên lửa ATACMS" tới Ukraine vào tháng 2. Ukraine được cho là sử dụng vũ khí này để tấn công mục tiêu của Nga ở Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014.

Moscow cảnh báo, phương Tây bật đèn xanh cho Ukraine dùng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga sẽ khiến xung đột leo thang nguy hiểm.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine