1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tướng Ukraine: Kiev có thể phá hủy cầu Crimea bằng tên lửa ATACMS của Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tướng cấp cao của Ukraine cho rằng, nước này có thể phá hủy cây cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bằng tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ.

Tướng Ukraine: Kiev có thể phá hủy cầu Crimea bằng tên lửa ATACMS của Mỹ - 1

Cầu Crimea (Ảnh: Sputnik).

Người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov cho biết Kiev có thể sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để nhắm mục tiêu vào cây cầu nối Crimea với Nga.

Cầu Kerch (hay còn gọi là cầu Crimea) nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo mà Moscow sáp nhập vào năm 2014. Trong suốt cuộc chiến hơn 2 năm qua giữa Nga và Ukraine, cây cầu đã là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho phía Moscow ở mặt trận phía nam

Ukraine đã từng tấn công cây cầu qua biển trong một số lần trước đó. Cây cầu đã bị hỏng nhưng được sửa chữa nhanh chóng và tiếp tục nối lại hoạt động.

Ông Budanov cho rằng một cuộc tấn công vào cây cầu bằng tên lửa ATACMS của Mỹ có thể phá hủy cây cầu một lần và mãi mãi.

Ông nói những người cho rằng ATACMS không đủ mạnh để phá hủy cây cầu "nên đọc hướng dẫn kỹ thuật".

Ông nhận định: "Vấn đề duy nhất là số lượng tên lửa có thể được sử dụng và về nguyên tắc, những tên lửa này sẽ cho phép chúng tôi hoàn thành sứ mệnh như vậy (phá hủy cây cầu)".

Theo viện nghiên cứu chiến tranh (ISW), việc Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tấn công vào các vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát có thể dẫn tới kịch bản Kiev dùng tên lửa ATACMS bắn vào cầu Crimea.

Tuy nhiên, dù cầu Crimea có bị tấn công, Nga hiện vẫn có tuyến đường trên bộ chạy từ lãnh thổ của mình qua các khu vực Mariupol, Berdiansk mà họ đang kiểm soát để tới được Crimea. Moscow đã xây dựng hệ thống đường sắt theo tuyến này.

Mặc dù vậy, cầu Crimea vẫn có ý nghĩa về mặt biểu tượng nên Ukraine dường như vẫn muốn nhằm mục tiêu vào công trình này.

Ngoài ra, ông Budanov cho rằng Moscow sẽ không dùng vũ khí hạt nhân nếu Crimea bị đe dọa. "Chúng tôi không có lực lượng lớn tập trung ở khu vực này nên việc Nga dùng vũ khí hạt nhân sẽ là không phù hợp", ông nói.

Mặt khác, ông cho rằng, động thái như vậy sẽ gây ra rủi ro chính trị lớn cho Nga.

Thêm vào đó, ông Budanov nói rằng viện trợ quân sự của phương Tây sẽ không đến Ukraine với số lượng đủ để thay đổi tình hình ở tiền tuyến cho đến ít nhất là từ giữa đến cuối tháng 7.

Theo ông, phương Tây chuyển giao vũ khí đã nhanh hơn vài tháng trước, nhưng Ukraine vẫn gặp vấn đề với số lượng.

Theo Newsweek