1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga kêu gọi Ukraine đàm phán hòa bình ngay lập tức

Thành Đạt

(Dân trí) - Người đứng đầu Hội đồng Liên bang Nga đã kêu gọi Quốc hội Ukraine ngay lập tức tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết xung đột giữa hai nước.

Nga kêu gọi Ukraine đàm phán hòa bình ngay lập tức - 1

Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko (Ảnh: Tass).

"Hãy để chúng tôi, quốc hội Nga và quốc hội Ukraine, ngồi sau bàn đàm phán ngày hôm nay, tại hội nghị G20. Hãy cố gắng hiểu nhau và tìm ra giải pháp", Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko phát biểu tại hội nghị của chủ tịch quốc hội các nước thành viên G20 ở Jakarta, Indonesia hôm 6/10.

Phái đoàn Ukraine cũng được mời tham dự sự kiện này, mặc dù quốc gia này không nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20).

Theo bà Matvienko, Moscow và Kiev gần như đã đạt được một thỏa thuận hòa bình trong các cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3, nhưng "Ukraine rõ ràng đã chịu tác động từ bên ngoài vào thời điểm đó và đã từ bỏ các thỏa thuận hòa bình".

Bà Matvienko cũng chỉ ra rằng, Nga đã đưa ra nhiều đề nghị cho Ukraine để nước này tham gia các cuộc đàm phán hòa bình kể từ khi xung đột bùng nổ vào cuối tháng 2.

"Chúng tôi nhắc lại rằng chúng tôi ủng hộ đàm phán, đối thoại và giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc khủng hoảng này. Hãy bắt đầu thảo luận. Hãy gặp sau bàn đàm phán", bà Matvienko đề xuất.

Người đứng đầu Thượng viện Nga sau đó khẳng định Moscow "sẵn sàng chấm dứt các hành động quân sự dựa trên các điều kiện do Nga đưa ra". Bà Matvienko cho biết điều này đồng nghĩa với việc tình trạng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk cũng như các vùng Kherson và Zaporizhzhia, những khu vực đã chính thức sáp nhập vào Nga hôm 5/10, sẽ không được thảo luận trong các cuộc đàm phán với Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần này đã ký sắc lệnh bác triển vọng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Sắc lệnh được coi là chính thức hóa tuyên bố trước đó của nhà lãnh đạo Ukraine rằng, Kiev "sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với một tổng thống khác".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4/10 tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ không kết thúc nếu Ukraine không tham gia các cuộc đàm phán. Ông Peskov nói thêm rằng, "việc đàm phán cần có cả hai bên".

"Chúng tôi sẽ chờ tổng thống đương nhiệm (của Ukraine) thay đổi lập trường hoặc chờ tổng thống tiếp theo thay đổi lập trường vì lợi ích của người dân Ukraine", ông Peskov nhấn mạnh.

Cuộc đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3. Tại vòng đàm phán này, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại Ukraine sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút lại các đề xuất ban đầu.

Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ. Hồi tháng 7, Mykhailo Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, đã đưa ra những điều kiện để Ukraine đạt thỏa thuận hòa bình với Nga gồm: Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, công nhận quyền chủ quyền của Ukraine, trao trả tù binh và tuân thủ cơ chế bồi thường chiến tranh.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm