1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga dồn quân để cắt đứt tuyến tiếp tế cuối cùng của Ukraine ở Bakhmut

Minh Phương

(Dân trí) - Nga dường như tập trung tối đa lực lượng nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế cuối cùng của Ukraine ở Bakhmut, một bước quan trọng trong kế hoạch kiểm soát thành phố chiến lược này.

Nga dồn quân để cắt đứt tuyến tiếp tế cuối cùng của Ukraine ở Bakhmut - 1

Quân đội Nga, Ukraine đang giao tranh khốc liệt ở Bakhmut. Trong ảnh: Binh sĩ Ukraine khai hỏa một khẩu pháo tự hành về phía lực lượng Nga gần Bakhmut hôm 24/1 (Ảnh: Reuters).

Hãng thông tấn TASS ngày 14/2 dẫn lời ông Denis Pushilin, người đứng đầu chính quyền ly khai Donetsk (DPR), cho biết lực lượng Nga và Ukraine đang giao tranh khốc liệt ở Paraskoviyevka, cửa ngõ phía bắc thành phố Bakhmut, miền Đông Ukraine.

Quan chức này nhấn mạnh, nếu kiểm soát được Paraskoviyevka, Nga sẽ cắt đứt tuyến Chasov Yar hay tuyến đường tiếp tế cuối cùng của Ukraine cho Bakhmut.

Trước đó, ông Yan Gagin, cố vấn của lãnh đạo DPR, cho biết quân đội Nga đang tìm cách siết vòng vây lực lượng Ukraine ở Bakhmut. Theo quan chức này, mục tiêu cơ bản là giành quyền kiểm soát con đường Chasov Yar.

Bakhmut có ý nghĩa chiến lược với cả Nga và Ukraine. Nếu Moscow giành được Bakhmut, họ có thể phá vỡ tuyến tiếp tế của Ukraine và mở ra hướng tiến công cho phía Nga nhằm gây áp lực lên Kramatorsk và Sloviansk - các thành trì chủ chốt của Ukraine ở Donetsk, từ đó kiểm soát hoàn toàn Donetsk. Cuộc chiến giành Bakhmut kéo dài hơn 7 tháng qua và hiện trở thành cuộc giao tranh đẫm máu nhất ở chiến trường Ukraine.

Guardian dẫn các nguồn tin cho hay, Nga dường như đang tập trung tối đa lực lượng để kiểm soát Bakhmut trước thời điểm tròn một năm kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Một chiến thắng ở Bakhmut sẽ cho phép Moscow lấy lại tinh thần sau những thất bại trước đó và tạo bước đệm để kiểm soát hai thành phố lân cận vẫn do Ukraine nắm giữ.

Binh sĩ Nga hiện kiểm soát khu vực cửa ngõ phía bắc, phía nam Bakhmut và tìm cách áp đảo lực lượng Ukraine bằng cách liên tục đưa bộ binh vào.

Người phát ngôn quân khu miền Đông Ukraine Serhiy Cherevaty cho hay Nga đang sử dụng các nhóm chiến thuật nhỏ tìm cách cận chiến với lực lượng Ukraine, thay vì dùng vũ khí hạng nặng trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và dễ bị bắn phá.

Giới chức Ukraine thừa nhận tình hình ở Bakhmut rất khó khăn nhưng bác bỏ thông tin cho rằng quân đội của họ có ý định rút đi. Theo truyền thông địa phương, binh sĩ Ukraine hôm 13/2 đã cho nổ tung một cây cầu nối Bakhmut với Konstantivka - thành phố lớn khác ở Donetsk vẫn do Kiev kiểm soát.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng tuyên bố quyết tâm giữ vững "thành trì Bakhmut". Tuy nhiên, theo Washington Post, giới chức Mỹ đang thuyết phục Ukraine chuyển hướng tập trung khỏi Bakhmut, ưu tiên cho cuộc phản công để giành lại lãnh thổ quan trọng hơn, tận dụng những vũ khí hiện đại trị giá hàng tỷ USD do phương Tây viện trợ.

Nga dồn quân để cắt đứt tuyến tiếp tế cuối cùng của Ukraine ở Bakhmut - 2

Cục diện toàn chiến trường Ukraine (bên trái) và mặt trận miền Đông (Đồ họa: ISW).

      Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine