Nga có thể dùng chiến thuật mồi nhử để tấn công lá chắn phòng không Ukraine
(Dân trí) - Một số nguồn tin nói, Nga có thể đang sử dụng các tên lửa làm mồi nhử để tấn công hệ thống phòng không của Ukraine, nhưng giới chuyên gia hoài nghi về thông tin này.
Theo Eurasian Times, các nguồn tin từ chiến trường cho hay, Nga trong thời gian qua dường như đã phá hủy thành công các radar trên hệ thống phòng không NATO cấp cho Ukraine bằng chiến thuật mồi nhử.
Cụ thể, nguồn tin nói rằng, Nga đã bắn các tên lửa Iskander và Kalibr để radar của Ukraine kích hoạt, rồi Moscow phóng tên lửa chống radar (ARM) Kh-31PD từ tiêm kích Su-35S để phá hủy các thiết bị này.
Nga và Ukraine chưa lên tiếng về tin tức trên.
Theo chuyên gia Vijainder K Thakur - người chuyên theo dõi chiến sự Nga - Ukraine, thông tin được đưa ra dù có vẻ khá hợp lý và đáng tin, nhưng có thể không hoàn toàn chính xác.
Theo ông Thakur, Nga là quốc gia được biết đến với chiến thuật tâm lý chiến, tức là sử dụng thông tin để làm rối loạn hoặc ảnh hưởng tới tinh thần đối thủ. Thông tin về việc dùng tên lửa làm mồi nhử có thể có tác dụng tác động tới chiến thuật của Ukraine.
Chuyên gia trên nhận định, Nga dường như mới đang sử dụng Kh-31 nhiều ở khu vực Donbass vì tầm tấn công của nó khá giới hạn, chưa thể vươn tới các thành phố như Kiev. Nếu muốn Kh-31 vươn được tới Kiev, máy bay của không quân Nga sẽ buộc phải bay gần hơn và đối mặt với rủi ro bị phòng không đối thủ bắn rơi vì Moscow lúc này chưa kiểm soát hoàn toàn không phận đối thủ.
Thêm vào đó, ông Thakur cho rằng, Nga trong thời gian qua cũng không công bố thông tin về việc phá hủy lá chắn phòng không phương Tây cấp cho Ukraine, dù họ nhiều lần đưa tin về việc phá hủy các hệ thống hỏa lực NATO viện trợ cho Kiev.
Mặc dù vậy, ông Thakur cho rằng, nếu Nga thực sự dùng chiến thuật trên, thì đây không phải là lần đầu Moscow sử dụng mồi nhử để bẫy phòng không Ukraine.
Trước đó, tình báo phương Tây đăng tải một báo cáo chỉ ra, Nga dường như đã sử dụng tên lửa Kh-55 với đầu đạn trơ (không có thuốc nổ) để làm mồi nhử. Cụ thể, Nga sẽ bắn các tên lửa Kh-55 này để phòng không Ukraine kích hoạt, từ đó Moscow sẽ dò ra được vị trí chính xác và các tiêm kích Su-35S sẽ phóng tên lửa Kh-31 vào những mục tiêu này.
Hồi tháng trước, trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine (StratCom) tuyên bố đã phát hiện Nga sử dụng tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Kh-55. Tuy nhiên, Ukraine nói rằng, Nga đã tháo đầu đạn hạt nhân ra khỏi tên lửa này và lắp vào đó đầu đạn trơ để đưa vào tác chiến.
Kh-31PD là dòng tên lửa được thiết kế chuyên nhằm vào radar của các hệ thống phòng không. Theo thông số do nhà sản xuất cung cấp, tầm bay của tên lửa này là 250km. Nó có thể được phóng từ máy bay ở độ cao 15 km, với tốc độ khoảng 1.700km/h trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Tên lửa trên thuộc dòng Kh-31 với các biến thể chống hạm và chống radar.
Nó được chế tạo để nhằm mục tiêu vào các radar kiểm soát hoạt động trên không, radar cảnh báo sớm và các hệ thống phòng thủ tầm trung và tầm xa.
Ngoài ra, giới chuyên gia nhận định, Kh-55 vốn là tên lửa đã bị Nga cất vào trong kho và có số lượng lớn, nên họ có thể tái triển khai phiên bản không đầu đạn hạt nhân rồi phóng ồ ạt để làm Ukraine kiệt quệ tên lửa phòng không, khiến Kiev suy giảm năng lực trong cuộc chiến dài hơi với Moscow.