1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Ukraine muốn NATO cấp Patriot dù lá chắn NASAMS "đánh trúng 100%"?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Mỹ nói rằng lá chắn NASAMS nước này cấp cho Ukraine có tỷ lệ đánh trúng mục tiêu 100%, nhưng phía Kiev vẫn mong muốn Washington viện trợ tổ hợp Patriot.

Vì sao Ukraine muốn NATO cấp Patriot dù lá chắn NASAMS đánh trúng 100%? - 1

Mỹ đã chuyển cho Ukraine hệ thống NASAMS (Ảnh: Kongsberg).

Eurasian Times đưa tin, John Kirby, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tuyên bố lá chắn NASAMS mà NATO cấp cho Ukraine có tỷ lệ đánh chặn 100%.

"Tôi có đọc một báo cáo vài ngày trước là NASAMS thành công 100% (khi bắn hạ mục tiêu)", ông Kirby nói, nhấn mạnh điều Ukraine cần nhất lúc này là các tổ hợp phòng không, không phải là vũ khí tầm xa.

Ngoài NASAMS, NATO cũng cung cấp cho Ukraine các lá chắn uy lực khác như Crotale của Pháp và IRIS-T của Đức.

Tuy nhiên, Ukraine dường như cho rằng các lá chắn trên là chưa đủ và liên tục đề nghị Mỹ viện trợ tổ hợp Patriot. Trước đó, Mỹ nhiều lần lo ngại việc cung cấp Patriot cho Ukraine có thể sẽ khiến xung đột leo thang và lan rộng.

Cuối tháng trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow sẽ đáp trả nếu NATO cung cấp hệ thống Patriot cho Kiev.

Ngoài ra, quan chức Không quân Mỹ Pat Ryder cho rằng, việc bàn giao Patriot sẽ kéo theo hàng loạt yêu cầu phức tạp về bảo trì và huấn luyện cho quân nhân Ukraine vận hành. Lầu Năm Góc nói rằng, họ cho tới nay chưa có kế hoạch chuyển Patriot cho Ukraine. Patriot là hệ thống phức tạp cần 90 binh sĩ vận hành và quá trình đào tạo để sửa chữa lá chắn này thường kéo dài một năm.

Mặc dù vậy, Ukraine vẫn đang tích cực vận động phương Tây gửi cho họ lá chắn này.

Tính toán của Ukraine

Theo Wall Street Journal, dù Mỹ nói rằng NASAMS đánh chặn tên lửa Nga hiệu quả 100% nhưng Ukraine hiện mới chỉ có 2 hệ thống trong khi Washington cam kết chuyển cho Kiev 8 tổ hợp. Vấn đề là 6 tổ hợp còn lại vẫn chưa được sản xuất. Lầu Năm Góc nói rằng, những lá chắn còn lại sẽ được giao trong "vài năm tới".

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, 4 quốc gia phương Tây khác có hệ thống này và một số quốc gia đang chờ giao hàng, nhưng do "việc sản xuất tồn tại một số vấn đề nên có rất ít hệ thống NASAMS sẵn sàng để chuyển giao cho Ukraine". Chính vì vậy, NASAMS dù hiệu quả nhưng việc chỉ có 2 lá chắn loại này là không đủ để Ukraine bảo vệ các mục tiêu quan trọng.

Mặt khác, theo Eurasian Times, một lý do khác các lá chắn NASAMS, Crotale, và IRIS-T hoạt động hiệu quả với các mục tiêu như máy bay và tên lửa hành trình, nhưng không đủ để ngăn chặn hiệu quả tên lửa đạn đạo. Nói cách khác, Patriot có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tốt hơn. Với Patriot, Ukraine có thể hạn chế hiệu quả hơn khả năng tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng của phía Kiev.

NASAMS là hệ thống tên lửa phòng không di động được thiết kế để chống lại các mục tiêu từ thấp đến trung bình. Các hệ thống phòng không này có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi khoảng 25km bằng tên lửa AMRAAM và 50km bằng tên lửa AMRAAM-ER. Vấn đề là NASAMS chỉ có thể đánh chặn được tên lửa hành trình, máy bay và UAV.

Trong khi đó, Patriot được thiết kế nhằm tiêu diệt các tên lửa đạn đạo, các loại máy bay tiên tiến và tên lửa hành trình. Vì vậy, nếu chỉ triển khai NASAMS và với số lượng không đủ lớn, Ukraine sẽ không ngăn chặn được chiến lược "mưa" hỏa lực của Nga. Bằng chứng là dù Ukraine nói rằng, các lá chắn phương Tây cung cấp có tỷ lệ đánh chặn rất ấn tượng, nhưng các mục tiêu của phía Kiev vẫn bị phá hủy nặng nề.

Vì sao Ukraine muốn NATO cấp Patriot dù lá chắn NASAMS đánh trúng 100%? - 2

Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot khai hỏa (Ảnh: NSPA).

Chiến thuật của Nga

Giới quan sát phương Tây nhận định, Nga đang dồn lực tấn công các cơ sở hạ năng lượng Ukraine bằng tên lửa và UAV nhằm gây áp lực lên phía Kiev trong mùa đông lạnh giá.

Tuy nhiên, theo Eurasian Times, Nga có tính toán nhiều hơn thế. Từ trước tới nay, không có quốc gia nào thắng trong chiến sự bằng cách tấn công mục tiêu dân sự. Nga không nhằm vào các tòa nhà chung cư, trung tâm mua sắm, văn phòng. Họ đang tấn công cơ sở hạ tầng sản xuất và truyền tải điện, vốn là cơ sở hạ tầng lưỡng dụng, theo giới quan sát.

Nga dường như đang hy vọng làm giảm tiềm năng chiến đấu của Ukraine vì các cơ sở năng lượng thực chất cung cấp điện cho các nhà máy sản xuất vũ khí và đạn dược của Kiev.

Phương Tây viện trợ cho Ukraine một lượng lớn vũ khí trong những tháng qua, nhưng trên thực tế, Kiev vẫn còn vũ khí từ thời Liên Xô cần đạn dược mà Ukraine có thể tự sản xuất để sử dụng.

Nga gây tổn hại nghiêm trọng tới cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine gián tiếp khiến cho Kiev giảm khả năng sản xuất đạn dược cho tiền tuyến. Theo Eurasian Times, tại một số khu vực, các cuộc tấn công trên bộ của Ukraine đang bị đình trệ ở miền Đông, ví dụ ở các hướng Kupyansk và Krasnolimansk và giờ là cuộc tấn công vào Svatovo và Kremennaya.

Theo Military Chronicle, các lực lượng Ukraine dường như đang phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng các loại đạn pháo cỡ nòng 122mm và 152mm do Ukraine có thể tự sản xuất.

Tình trạng thiếu năng lượng đã khiến việc sản xuất đạn pháo cỡ nòng chuẩn Liên Xô tại nhà máy Kyiv Artyom bị đình trệ. Các cuộc tấn công không ngừng của Nga vào các kho đạn dược đã làm cạn kiệt nghiêm trọng kho đạn dược dự trữ của Kiev. 

Việc thiếu điện cũng cản trở Ukraine vận hành các tuyến đường sắt để chuyển các thiết bị hạng nặng và đạn dược, bao gồm cả khí tài do phương Tây cung cấp.

Nga dường như kỳ vọng, việc liên tục nhằm vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Ukraine cuối cùng sẽ khiến Kiev suy giảm khả năng chiến đấu trên tiền tuyến.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm