1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga có thể đưa hàng loạt xe tăng đang giữ kỷ lục thế giới đến Ukraine

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

(Dân trí) - Những đoàn tàu quân sự Nga ùn ùn chở xe tăng T-54/55 kiểu cũ đi về phía Tây. Giới chuyên môn phỏng đoán, Moscow có thể sẽ đưa chúng vào tham chiến tại Ukraine.

Nga có thể đưa hàng loạt xe tăng đang giữ kỷ lục thế giới đến Ukraine - 1

Các xe tăng chiến đấu chủ lực T-54 được vận chuyển trên một đoàn tàu từ kho niêm cất ở vùng Primorsky (Ảnh: Defence Blog).

Vấn đề đặt ra là việc xe tăng T-54/55 "tái xuất giang hồ" liệu có làm nên chuyện?

Xe tăng giữ kỷ lục thế giới: Quá khứ hào hùng, tương lai khó đoán định

Xe tăng T-54 được hoàn chỉnh thiết kế năm 1946 và ra đời năm 1947, còn chiếc T-55 đầu tiên được sản xuất năm 1958. Vào thời điểm đó, T-54/55 được đánh giá là xe tăng hiện đại nhất thế giới, có nhiều ưu việt so với các loại cùng thế hệ của phương Tây.

Cũng bởi vậy, T-54/55 được quân đội nhiều nước quan tâm mua sắm hoặc sản xuất theo giấy phép của Liên Xô. Vì thế, tổng số lượng xe tăng họ nhà T-54/55 xuất xưởng đã lên tới con số kỷ lục, khoảng 100.000 xe, nhiều nhất trong các loại xe tăng trên thế giới.

Suốt mấy thập kỷ liền, xe tăng T-54/55 đóng vai trò xe tăng chủ lực trong quân đội nhiều nước và đã tham chiến ở nhiều mặt trận khác nhau từ châu Âu tới Trung Đông, từ châu Á tới châu Phi. Cho đến nay, T-54/55 vẫn còn trong biên chế chính thức của quân đội nhiều nước.

Tuy nhiên, số phận của những chiếc xe tăng T-54/55 tại đất nước đã sinh ra chúng không được may mắn như thế. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, các nước phương Tây đã chế tạo nhiều loại xe tăng mới hiện đại hơn khiến T- 54/55 tỏ ra "hụt hơi".

Để cải thiện tình hình, Liên Xô đã xây dựng đề án Volna nhằm nâng cấp dòng chiến xa này trên một số phương diện nhưng cuối cùng nó đã bị bỏ dở dang.

Nguyên nhân là do thời điểm đó với tiềm lực nền công nghiệp quốc phòng cực mạnh, Liên Xô đã nhanh chóng sản xuất một số lượng rất lớn T-62 và tiếp đó là xe tăng T-72 với những tính năng vượt trội để trang bị cho quân đội. Trong tình thế đó, dòng T-54/55 bắt buộc bị loại khỏi biên chế.

Nhưng người Nga vốn là những người căn cơ, tiết kiệm (hay lo xa nữa) nên một số lớn những chiếc T-54/55 đó không bị tháo dỡ ra làm phế liệu mà nó được đưa vào niêm cất và bảo quản trong những nhà kho nằm rải rác trên khắp đất nước mênh mông này.

Người ta ước tính có khoảng vài nghìn xe T-54/55 (cả nguyên bản và đã được nâng cấp) nằm trong số đó. Có lẽ chúng chính là những xe tăng đang được Nga chuyển về hướng Tây kia.

Điều đó cho phép phỏng đoán: số xe tăng đời cổ này được quân đội Nga huy động ra mặt trận nhằm tăng cường lực lượng để tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt", đồng thời bù đắp cho những tổn thất về xe tăng trong thời gian qua.

Rất có thể đó là một phỏng đoán đúng, nhưng vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để những chiếc xe tăng cũ này có thể sống sót và hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường? Đó là một câu hỏi lớn và không dễ trả lời!

Nga có thể đưa hàng loạt xe tăng đang giữ kỷ lục thế giới đến Ukraine - 2

Xe tăng T-54B đang được quân đội Nga vận chuyển bằng đường sắt về phía Tây, hướng tới Ukraine (Ảnh: CIT).

Muốn làm nên chuyện, phải biết dụng công

Một thực tế mà hầu hết mọi người dễ thấy T-54/55, nhất là loại còn nguyên bản không phải là đối thủ xứng tầm với xe tăng và các loại vũ khí chống tăng hiện có của Ukraine.

Về lực lượng xe tăng của Ukraine chủ yếu là T-64 và T-72 đã được nâng cấp cùng hàng trăm xe tăng hiện đại như: Challenger 2 của Anh, Leopard-1/2 của Đức và tới đây có thể là thêm cả M1 Abrams của Mỹ.

Tất cả đều mạnh hơn T-54/55, nếu đối đầu trực tiếp, những chiếc xe tăng cổ lỗ sĩ của Nga sẽ là miếng mồi ngon cho các họng pháo 125, 120 mm của đối phương.

Về vũ khí chống tăng cũng vậy. Ngoài các loại vũ khí chống tăng kế thừa từ quân đội Liên Xô trước đây và tự chế tạo những năm gần đây, Ukraine còn được các nước phương Tây viện trợ cho nhiều loại vũ khí chống tăng hiện đại như tên lửa chống tăng Javelin (Mỹ), NLAW (Anh), Milan (Pháp)... Các loại tên lửa này dễ dàng tiêu diệt T-54/55 từ cự ly vài nghìn mét.

Bởi vậy, nếu T-54/55 tới mặt trận tham gia tham chiến thì tốt nhất không nên đưa ra tiền tuyến đối đầu trực tiếp với xe tăng và vũ khí chống tăng của Ukraine. Vậy thì Nga có thể sử dụng số xe tăng này vào nhiệm vụ gì?

Thứ nhất, sử dụng làm nhiệm vụ hỗ trợ, chi viện hỏa lực như "pháo tự hành bất đắc dĩ" từ các trận địa bắn gián tiếp.

Với vũ khí chính là khẩu pháo nòng dài 100 mm kiểu D-10T2S mà tầm bắn xa nhất lên tới 16 km hoặc hơn, xe tăng T-54/55 hoàn toàn có thể hoàn thành nhiệm vụ này. Vị trí các trận địa bắn gián tiếp thường ở sâu trong hậu phương, đảm bảo số "pháo tự hành bất đắc dĩ" này sẽ có khả năng sống còn cao hơn.

Tuy nhiên, cách sử dụng trên có nhược điểm là ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thọ nòng pháo.

Vì là pháo tăng, cần tạo sơ tốc lớn cho các loại đạn xuyên nên áp suất thuốc phóng trong nòng pháo khi khai hỏa rất cao, dẫn đến tuổi thọ nòng pháo chỉ khoảng hơn 1.000 phát bắn, nay sử dụng ở trận địa bắn gián tiếp thường số lượng đạn bắn rất nhiều sẽ dẫn đến sớm phải thay thế.

Thứ hai, sử dụng để tăng cường hỏa lực ở các trận địa phòng ngự bằng cách đưa xe tăng T-54/55 xuống công sự ở tiền duyên, chỉ để tháp pháo nhô lên mặt đất.

Với cách bố trí này, T-54/55 có thể giấu kín mình để đợi xe tăng đối phương vào đến tầm vài trăm mét mới khai hỏa. Ở khoảng cách bắn gần như vậy, pháo 100 mm của chúng đủ sức diệt hầu hết các loại xe tăng phương Tây.

Có thể nói đó là hai cách sử dụng khả dĩ nhất của xe tăng T-54/55 nếu chúng được đưa đến tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Nga có thể đưa hàng loạt xe tăng đang giữ kỷ lục thế giới đến Ukraine - 3

Xe tăng T-54 ở Saint Petersburg, Nga, ngày 28/01/2023 (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, để đảm bảo cho chúng sống còn và hoàn thành tốt nhiệm vụ thì Nga rất cần phải có một số giải pháp nâng cấp.

Trước hết là phải nâng cấp khả năng phòng hộ. Trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao như hiện nay, mặc dù xe tăng nằm ở sâu trong hậu phương hoặc nằm trong công sự ở tuyến phòng thủ nhưng cũng rất dễ dàng bị phát hiện và tiêu diệt bởi các loại vũ khí thông minh như máy bay không người lái, bom dẫn đường...   

Thế mà, điểm yếu của T-54/55 về mặt phòng hộ chủ yếu do giáp được làm bằng thép đồng chất, một số vị trí khá mỏng như trên nóc tháp pháo, sườn xe... Kể cả ở phía trước xe và tháp pháo, nếu không được bảo vệ cũng khó chống được các loại đạn xuyên với đầu nổ lõm, nhất là của tên lửa chống tăng.

Vì vậy, cần thiết phải lắp giáp phản ứng nổ (ERA) và các diềm chắn và các vị trí cần thiết, đặc biệt là ở nóc xe.

Thứ hai, để có thể tiêu diệt được các loại xe tăng hiện đại do phương Tây chế tạo, T-54/55 rất cần được nâng cao sức mạnh hỏa lực. Muốn làm điều này, người ta tập trung vào 2 nhóm giải pháp: cải tiến vũ khí và nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực để ngắm bắn được chính xác hơn trong các điều kiện khác nhau.

Về cải tiến vũ khí, nếu có điều kiện có thể thay khẩu pháo 100mm bằng khẩu pháo nòng trơn 125mm 2A46 (như pháo trên T072B3, T-90). Làm được như thế vừa nâng cao uy lực, vừa tiện cho công tác bảo đảm.

Trong trường hợp vẫn giữ nguyên khẩu pháo 100 mm thì tập trung cải tiến các loại đạn xuyên lõm BK, đạn xuyên dưới cỡ BM hoặc tên lửa chống tăng 9M117 Bastion phóng qua nòng cũng tốt.

Về hệ thống điều khiển hỏa lực, đối với các xe T-55 đã được nâng cấp theo đề án Volna từ trước thì chỉ cần kiểm tra, hiệu chỉnh hoặc sửa chữa các thiết bị đã lắp đặt là đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Còn đối với các xe T-54/55 nguyên bản nếu có thể thì thay toàn bộ hệ thống điều khiển hỏa lực mới hoặc không, ít nhất cũng phải trang bị một máy đo xa laser để tăng cường độ chính xác khi bắn.

Nội dung thứ ba cần phải làm là nâng cao sức cơ động việt dã. Nhìn chung, mặc dù khối lượng không lớn lắm nhưng do công suất riêng thấp, chỉ đạt 14-15 mã lực/tấn trong khi hệ thống treo chưa thật sự tiên tiến nên tốc độ cũng như sức cơ động việt dã của dòng T-54/55 khá thấp.

Để cải thiện tính năng này, Nga có thể thay mới động cơ hoặc cải tiến để nâng công suất động cơ lên tầm 600 - 700 mã lực cũng như cải tiến cơ cấu treo như thay thế trục xoắn, giảm chấn thủy lực... để nâng cao gầm xe và tăng độ nhún khi qua các vật cản. Ngoài ra, nếu điều kiện cho phép Nga có thể lắp đặt các hệ thống trợ lực lái xe và thay thế kính nhìn đêm cho lái xe.

Với những cải tiến như vậy, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ trong hai cách sử dụng đã nêu trên, khi cần thiết có thể sử dụng T-54/55 như những chiếc xe tăng thực thụ trên chiến trường.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine