1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quân đội Ukraine có thể nhắm đến Crimea sau vụ vỡ đập Kakhovka?

Ngọc Huy

(Dân trí) - Việc đập thủy điện Kakhovka bị phá hủy rạng sáng 6/6 ảnh hưởng rất lớn tới tình hình xung đột giữa quân đội Nga và Ukraine ở mặt trận Nam Donetsk, đặc biệt là vùng Kherson.

Quân đội Ukraine có thể nhắm đến Crimea sau vụ vỡ đập Kakhovka? - 1

Một vùng rộng lớn ở Kherson ngập trong nước do vụ vỡ đập thủy điện (Ảnh: AP).

Cả Nga và Ukraine đều đang đổ lỗi cho nhau liên quan tới việc đập thủy điện Kakhovka tại Kherson bị phá hủy, trong bối cảnh chiến sự ở miền Đông đang nóng lên do Kiev phát động phản công lớn và bản thân Kherson cũng là một mặt trận trọng điểm.

Vậy thực tế hai bên sẽ bị tác động thế nào khi con đập này bị vỡ?

Ukraine: Mở ra cơ hội tấn công thẳng tới Crimea?

Thực tế, khoảng cách từ bờ phải (hữu ngạn) sông Dnieper tại Kherson đang nằm trong vùng kiểm soát của Nga tới eo đất nối sang bán đảo Crimea chỉ hơn 50km.

Đây được cho là vị trí lý tưởng với chiều sâu chiến trường đủ ngắn để quân đội Ukraine có thể đột phá tới Crimea hoặc chí ít là giành những kết quả tích cực, tạo tiếng vang cho chiến dịch phản công quy mô lớn đã được lên kế hoạch từ mùa xuân rồi chuyển sang hè năm 2023.

Tuy nhiên, sau khi rút khỏi Kherson từ tháng 11/2022, quân đội Nga đã thiết lập hệ thống phòng thủ kiên cố, nhiều lớp với những bãi mìn lớn bên hữu ngạn sông Dnieper. Ukraine đã vài lần đột phá nhưng không thành công và phải hứng chịu tổn thất do hỏa lực của không quân, pháo binh Nga.

Đập Kakhovka bị vỡ, nước dâng lên có thể nhấn chìm tuyến phòng ngự sát bờ sông và vô hiệu hóa các bãi mìn, vật cản cứng mà lực lượng Nga phải mất rất nhiều công xây dựng, tạo ra cơ hội mới cho Ukraine trên mặt trận này. 

Khi nước rút do Ukraine chủ động đóng các đập ở thượng nguồn, sẽ mở toang cánh cửa cho lực lượng của Kiev vượt sông, tấn công sang hữu ngạn. Trong kịch bản thuận lợi nhất, Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng phòng thủ Nga tới bán đảo Crimea.

Đây chính là kịch bản khả quan và có tiếng vang nhất cho Ukraine so với những đòn đánh thẳng vào tuyến phòng thủ kiên cố của Nga ở Nam Donetsk, Bakhmut hay vùng Kharkov.

Thực tế cho thấy trong vài ngày đầu tấn công vào tuyến phòng thủ cứng của đối phương, Ukraine đã hứng chịu tổn thất đáng kể về người và trang bị nhưng lại không hoặc chưa thu được kết quả đáng kể nào.

Quân đội Ukraine có thể nhắm đến Crimea sau vụ vỡ đập Kakhovka? - 2

Vị trí nhà máy điện hạt nhân và đập thủy điện Kakhovka (Đồ họa: Reuters).

Nga: "Đóng băng" Kherson, dồn quân cho mặt trận khác

Một điểm đáng chú ý là đập Kakhovka bị phá hủy ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông tin về việc Ukraine đã khởi động đợt phản công lớn.

Moscow chắc chắn đã có những tính toán về khả năng đập Kakhovka bị phá hoại ngay từ khi quyết định rút quân khỏi tả ngạn Dnieper, để xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố ở bên kia sông.

Hiện nay, các trận địa phòng thủ của Nga tại mặt trận Kherson thường cách bờ sông từ 1 tới 2km với nhiều lớp kết hợp giữa những khối bê tông "răng rồng" và bãi mìn dày đặc.

Vậy việc vỡ đập Kakhovka sẽ tác động gì tới Nga? Có thể trong vòng 20 ngày tới, chiến trường Kherson sẽ cơ bản đóng băng. Mực nước sông dâng cao đã khiến Ukraine phải rút lực lượng từ các vị trí tiền tiêu về lại tả ngạn Dnieper.

Mặt khác, khi nước dâng cao, Ukraine cũng không có khả năng triển khai lực lượng đột phá vượt sông để làm mồi cho không quân và pháo binh Nga.

Còn khi nước rút, kịch bản liệu có thuận lợi cho phía Ukraine?

Đầu tiên, khu vực hữu ngạn Dnieper do Nga kiểm soát có địa hình thấp và là các đầm lầy xen kẽ ở ven sông, khi nước rút đi, thì các khu vực đầm lầy này sẽ vẫn tồn tại.

Nếu Ukraine muốn tấn công, công việc không chỉ là vượt sông, mà còn phải băng qua những đầm lầy vốn là "kẻ thù" của các phương tiện cơ giới, chưa kể họ còn phải đối mặt với hỏa lực dày đặc của Nga.

Có ý kiến cho rằng Nga còn được lợi khi Kherson "đóng băng" tạo cơ hội họ rút bớt đáng kể quân phòng thủ ở mặt trận này để điều tới tăng cường cho các điểm nóng bỏng khác như Nam Donetsk, Donbass, Belgorod…

Tuy nhiên, bất kỳ cuộc chiến nào đều có biến số. Thuật dùng binh nằm ở việc chỉ huy có xoay chuyển được cục diện, lợi dụng khó khăn của đối thủ hóa thành lợi thế của bên ta hay không.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm