1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga cắt một nửa lượng khí đốt sang Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga cắt lượng khí đốt hiện tại chảy sang Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống một nửa, trong lúc châu Âu đang cấp tập tìm cách lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông.

Nga cắt một nửa lượng khí đốt sang Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1 - 1

Các đường ống dẫn khí thuộc dự án Dòng chảy Phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức (Ảnh: Reuters)

Hãng tin DW dẫn thông báo ngày 25/7 của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đưa tin, công ty này sẽ ngắt lượng khí đốt chảy sang Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 33 triệu m3/ngày, bắt đầu từ ngày 27/7.

Điều đó có nghĩa là lượng khí đốt chảy từ Nga sang Đức sẽ chỉ còn 20% công suất của đường ống. Trong khi đó, lượng khí đốt Nga cấp cho Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1 hiện chỉ ở mốc 40% công suất.

Lý do Gazprom đưa ra là họ buộc phải dừng hoạt động của một tua-bin vì "lỗi kỹ thuật liên quan tới động cơ".

Dòng chảy phương Bắc 1 bắt đầu từ Saint Petersburg, Nga dẫn khí đốt tới một trạm gần Greifswald, Đức thông qua biển Baltic.

Công suất tối đa của Dòng chảy phương Bắc 1 là 160 triệu m3/ngày. Trước đó, Gazprom đã cắt 60% lượng khí đốt chảy qua đường ống này viện dẫn lý do kỹ thuật. Nga nói, lệnh trừng phạt của Canada đã khiến tua-bin nén khí không được giao về sau khi được sửa chữa dẫn tới Gazprom phải ngắt bớt dòng khí đốt.

Trước đó, Nga đã khóa van đường ống trong 10 ngày với lý do bảo trì thường niên. 

Động thái mới nhất của Nga khiến châu Âu lo ngại về kịch bản Nga có thể ngắt dòng khí đốt chảy sang châu lục này vào mùa đông lạnh giá. Châu Âu hiện đang cấp tập tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế Nga, cũng như cố gắng lấp đầy kho dự trữ cho vài tháng mùa đông tới nhưng nhiệm vụ này là không dễ dàng vì họ quá phụ thuộc vào dòng khí đốt của Moscow trong nhiều năm.

Châu Âu thậm chí bàn tới phương án "thắt lưng buộc bụng" khí đốt khi đề xuất các nước cắt giảm bớt sử dụng năng lượng để tiết kiệm cho mùa đông. Tuy nhiên, đề xuất này không được toàn khối ủng hộ rộng rãi và đã xuất hiện những ý kiến phản đối công khai. 

Đức trước đó từng cáo buộc Nga "vũ khí hóa" năng lượng để gây áp lực cho châu Âu khi căng thẳng giữa Moscow và phương Tây không ngừng leo thang do chiến sự ở Ukraine. 

Theo DW
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm