Nga cảnh báo thế giới bên bờ vực thảm họa hạt nhân "giống Chernobyl"
(Dân trí) - Nga cáo buộc lực lượng Ukraine tấn công liên tục vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporozhye (Zaporizhia) và cảnh báo điều này có thể gây ra thảm họa hạt nhân bất cứ lúc nào.
Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye hôm 11/8, Đại sứ Nga tại tổ chức trên Vassily Nebenzia cáo buộc Ukraine đang có hành động "liều lĩnh" khi tấn công vào nhà máy trong những ngày qua.
Nhà máy Zaporozhye ở nam Ukraine đã bị Nga kiểm soát từ giai đoạn đầu của cuộc giao tranh kéo dài gần 6 tháng giữa Moscow và Kiev.
Trong thời gian qua, cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau là bên chịu trách nhiệm cho các vụ pháo kích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
"Chúng tôi đã liên tục cảnh báo tới các đồng nghiệp phương Tây rằng, nếu họ không trao đổi với Ukraine, Kiev sẽ thực hiện các động thái liều lĩnh và sẽ gây ra hậu quả vượt ra ngoài Ukraine. Đó chính xác là những gì đang diễn ra", ông Nebenzia nói.
Nhà ngoại giao Nga phát biểu: "Việc Kiev tấn công vào cơ sở hạt nhân đang đẩy thế giới tới gần bờ vực thảm họa hạt nhân có thể giống với Chernobyl (sự cố hạt nhân lớn nhất trong lịch sử diễn ra vào năm 1986)". Ông cho rằng, thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu "Ukraine tiếp tục thực hiện các vụ tấn công".
Theo ông Nebenzia, sự cố hạt nhân có thể gây ra ô nhiễm phóng xạ trên nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, ảnh hưởng đến ít nhất 8 khu vực của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev, các thành phố lớn như Kharkov hoặc Odessa, và một số vùng lãnh thổ của Nga và Belarus giáp Ukraine. Ông cảnh báo các vùng ly khai Lugansk và Donetsk ở miền Đông, cũng như Moldova, Romania và Bulgaria cũng có thể bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga cho rằng, kịch bản trên mới chỉ là "dự báo lạc quan nhất" và quy mô tiềm tàng của một thảm họa hạt nhân lớn như vậy là "khó dự đoán".
Trong khi đó, phía Ukraine cáo buộc Nga là bên tấn công vào nhà máy Zaporozhye trong một nỗ lực nhằm làm mất uy tín của Kiev.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Rafael Grossi, nói với Hội đồng Bảo an rằng tình hình tại nhà máy đang được kiểm soát và "chưa có mối nguy hiểm tức thời". Ông đề nghị cả Nga và Ukraine hợp tác và cho IAEA tiếp cận cơ sở này "càng sớm càng tốt".
Mỹ ủng hộ lập ra khu phi quân sự ở nhà máy điện hạt nhân mà Nga đang kiểm soát. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các bên có liên quan ngồi xuống bàn đàm phán để tìm giải pháp cho vấn đề.