Năng lực đặc biệt quyết định thành bại của Nga - Ukraine trên tiền tuyến
(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, Nga hay Ukraine nếu muốn thành công trên chiến trường cần phải sở hữu năng lực bắc cầu quân sự qua các con sông.
Trong tháng qua, Nga đã tăng cường tấn công, nhằm mục đích giành thêm lãnh thổ từ Ukraine. Cả đà tiến của Nga và nỗ lực phòng thủ của Ukraine đều đang phải đối mặt với những thách thức từ những con sông cắt ngang lãnh thổ Ukraine.
Những con sông này đóng vai trò là rào cản tự nhiên đối với các phương tiện quân sự hạng nặng, nhiều cây cầu đã bị nhắm mục tiêu và phá hủy. Do đó, kết quả thành bại trong giai đoạn này của cuộc chiến sẽ phụ thuộc một phần lớn vào khả năng tiến hành các hoạt động bắc cầu quân sự của mỗi bên.
Việc bắc cầu qua một con sông được coi là một trong những cuộc hoạt động quân sự phức tạp nhất. Các đội công binh phải nhanh chóng triển khai một cây cầu có khả năng hỗ trợ các xe bọc thép hạng nặng trong khi cũng chịu được dòng chảy mạnh, với kết cấu ít phức tạp nhất có thể.
Về mặt chiến thuật, hoạt động này đòi hỏi sự phối hợp chính xác và thực hiện nhanh chóng. Các lực lượng trước tiên phải bảo vệ bờ xa để thiết lập đầu cầu. Sau khi bảo vệ, công binh lắp ráp cây cầu, thường là dưới hỏa lực đối thủ.
Sau đó, lực lượng tấn công tiến qua cây cầu đã được bắc. Máy bay không người lái hiện đại và tác chiến điện tử làm tăng thêm những thách thức này bằng cách cho phép đối thủ nhắm mục tiêu chính xác vào cây cầu và phá vỡ các mạng lưới thông tin liên lạc cần thiết cho sự phối hợp nhịp nhàng.
Với nhịp độ tác chiến tăng lên, nhiều hoạt động gần đây đã tập trung vào sông và cầu. Theo báo cáo, lực lượng Nga đã thiết lập một đầu cầu có quy mô đại đội bắc qua sông Oskil ở khu vực Masyutivka-Zapadne thuộc tỉnh Lugansk.
Sông Oskil được coi là chướng ngại vật chính ngăn cản quân Nga giành thành phố Kupyansk. Việc thiết lập cây cầu sẽ rất khó khăn, vì bất kỳ điểm vượt sông nào cũng nằm trong tầm bắn của pháo binh Ukraine và bất kỳ nỗ lực bắc cầu nào cũng có nguy cơ bị máy bay không người lái Ukraine phát hiện. Nếu không thiết lập được cây cầu, quân Nga sẽ không thể giữ được bàn đạp.
Sông Dnipro cũng vẫn là một thách thức đáng kể đối với cả Ukraine và Nga. Sau khi Nga rút khỏi Kherson, Kiev đã kiểm soát bờ tây, trong khi Moscow vẫn giữ quyền kiểm soát bờ đông.
Mặc dù lực lượng Ukraine đã thiết lập một đầu cầu ở bờ đông vào năm ngoái, nhưng họ không thể xây dựng một cây cầu, và cuối cùng đã phải rút lui. Hiện tại, lực lượng Nga cố gắng giành quyền kiểm soát các đảo ở cửa sông Dnipro để thiết lập các vị trí kiên cố có thể được sử dụng để bảo vệ một đầu cầu ở bờ tây.
Hơn nữa, lực lượng đặc nhiệm Nga được cho là đã phá hủy các cây cầu gần Tymonovychi và Karpovychi ở tỉnh Chernihiv gần biên giới Ukraine với Nga và Belarus. Cuộc tấn công này được cho nhằm mục đích phá vỡ khả năng tác chiến của Ukraine trong khu vực, đặc biệt ở tỉnh Kharkov.
Ukraine và Nga đều có các đơn vị kỹ sư chuyên biệt được đào tạo để xây dựng cầu nhanh. Cả hai bên đều sử dụng xe tăng bắc cầu thời Liên Xô, ví dụ như MTU-72, có nhịp cầu khoảng 20m và được lắp trên khung gầm xe tăng T-72.
Cả hai bên cũng đều sử dụng cầu nổi PMP thời Liên Xô, là cầu phao có thể bắc qua sông dài tới 227m và chịu được tải trọng 60 tấn. Nga đã nâng cấp MTU-72 bằng MTU-90 và cầu nổi PMP bằng cầu phao PP-2005. Các hệ thống nâng cấp có thể triển khai nhanh hơn và chịu được tải trọng nặng hơn.
Trong khi đó, Ukraine đã nhận được nhiều hệ thống hỗ trợ khác nhau trong các gói viện trợ nước ngoài, đặc biệt là từ Đức và Mỹ.
Mặc dù cả hai bên đều chịu tổn thất về thiết bị, vấn đề lớn hơn là nhân sự. Các đơn vị công binh vượt sông cần được đào tạo cẩn thận để triển khai nhanh chóng các cây cầu và hỗ trợ các cuộc tấn công trên sông.
Trong suốt cuộc chiến, các đơn vị bắc cầu ở cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề và có thể buộc phải được biên chế những người lính thiếu đào tạo bài bản.
Cuộc cạnh tranh để vượt sông trong chiến sự Nga - Ukraine làm nổi bật những thách thức của xung đột hiện đại, nơi các chiến thuật truyền thống giao thoa với các công nghệ tiên tiến.
Cả hai bên đều phải đối mặt với những trở ngại đáng kể trong việc thiết lập và duy trì các cây cầu, vốn vẫn là mục tiêu ưu tiên cao, trước các mối đe dọa rình rập thường xuyên như UAV trinh sát hoặc tấn công.
Việc bắc cầu quân sự sẽ định hình tốc độ tác chiến và diễn biến chung của cuộc chiến, với các con sông của Ukraine đóng vai trò vừa là rào cản vừa là yếu tố hỗ trợ trong cuộc xung đột đang diễn ra này.