1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giao tranh khốc liệt bào mòn ý chí chiến đấu của 100.000 binh sĩ Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau gần 3 năm chiến sự nổ ra, khoảng 100.000 binh sĩ Ukraine đã mệt mỏi với cuộc xung đột và chọn rời khỏi đơn vị mà không xin phép (AWOL) hoặc đào ngũ.

Giao tranh khốc liệt bào mòn ý chí chiến đấu của 100.000 binh sĩ Ukraine - 1

Cuộc chiến khốc liệt trong gần 3 năm khiến hàng nghìn binh sĩ Ukraine lựa chọn con đường bỏ trốn vì đã quá mệt mỏi (Ảnh: AFP).

Vào ngày đầu tiên khi Nga đưa quân sang Ukraine, ông Roman Solomonyuk, 45 tuổi, đã khiến gia đình ông bất ngờ khi tình nguyện tham gia chiến đấu. Nhưng hơn 2 năm rưỡi sau, ông cùng với ngày càng nhiều binh sĩ khác, đã chọn con đường đào ngũ.

Đầu tiên, người đàn ông này nhận nhiệm vụ đào chiến hào gần biên giới Nga. Sau đó, ông được giao bắn hạ những chiếc máy bay không người lái Shahed tấn công tự sát.

Nhưng sau đó Solomonyuk đã bất hòa với một sĩ quan cấp trên và giờ đây ông chính thức bị truy nã vì đã rời khỏi đơn vị của mình mà không được phép.

Theo dữ liệu từ văn phòng tổng công tố, kể từ năm 2022, Ukraine đã mở gần 96.000 vụ án hình sự chống lại những quân nhân rời bỏ vị trí chiến đấu mà không được phép. Con số này tăng gấp 6 lần trong 2 năm qua và hầu hết các vụ án được mở vào năm 2024.

Ông Roman Lykhachov, một luật sư chuyên về quân nhân và cựu chiến binh tại Kharkov, ước tính con số binh sĩ Ukraine rời lực lượng không phép có thể lên tới 100.000 người hoặc hơn. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố hồi tháng 10 rằng họ cần huy động thêm 160.000 quân nữa.

Ông cho biết một số vụ án hình sự liên quan tới tình trạng AWOL có tới 20 đến 30 bị cáo, và cũng có những người lính đã trốn đi nhưng vẫn chưa bị buộc tội. Vì vậy, con số binh sĩ thực tế rời bỏ hàng ngũ có thể là hơn 100.000 người.

Khi quân đội Ukraine đang vật lộn để ngăn chặn bước tiến của Nga, thì sự bất lợi về nhân lực của họ đang trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặt khác, Kiev không thể hạ thêm tuổi huy động như phương Tây đề xuất trong thời gian qua để tránh làm gián đoạn thêm cho nền kinh tế và khiến một bộ phận dân chúng đã mệt mỏi vì chiến sự thêm bất mãn.

Điều này gây ra vòng luẩn quẩn không hồi kết, khi tình trạng thiếu quân buộc nhiều binh sĩ phải chiến đấu liên tục mà không được nghỉ ngơi trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Từ đó, động lực đào ngũ của họ lại gia tăng hơn nữa.

Nhiều quân nhân đơn giản là kiệt sức, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào đầu tháng 12. Nhưng ông đã phản đối việc đặt ra thời hạn xuất ngũ, tức là thời gian tối đa một người cần phục vụ trong quân ngũ trước khi được ra quân.

Điều này gia tăng thêm tâm trạng không hài lòng ở một số binh sĩ. Họ đặt câu hỏi rằng vì sao họ phải chiến đấu liên tục mà không được xuất ngũ, trong khi hàng triệu người đàn ông khác không phải vào quân đội.

Đối với họ, đào ngũ và AWOL trở thành sự giải thoát duy nhất, một cơ hội để rời khỏi cuộc chiến khốc liệt mà mạng sống của họ luôn trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

"Sự mệt mỏi là nguyên nhân. Hoặc có những hoàn cảnh cá nhân, như khi vợ của một người lính đang sinh con", ông Oleksandr Hrynchuk thuộc cơ quan thực thi pháp luật quân sự Ukraine giải thích về lý do nhiều binh sĩ rời khỏi hàng ngũ.

Trong khi đó, các tòa án Nga được cho đã xử lý ít nhất 10.000 vụ án liên quan đến binh lính bỏ trốn cho đến nay, một nửa trong số đó là vào năm 2024, theo trang web tin tức Mediazona.

Dù Moscow cũng đối mặt với tình trạng binh sĩ rời hàng ngũ nhưng Nga có thể xử lý tình hình hiệu quả hơn khi dân số của họ gấp 4 lần Ukraine. Ngoài ra, các chế độ, chính sách ưu đãi cho binh sĩ của Nga cũng hấp dẫn hơn rất nhiều.

Đối với Ukraine, vấn đề AWOL hay đào ngũ vẫn chưa có giải pháp triệt để. Tuần trước, ông Zelensky đã hứa với những người lính đang bỏ trốn rằng họ sẽ được ân xá nếu họ trở về đơn vị trước ngày 1/1/2025. Điều đó cho phép họ tránh được các cáo buộc hình sự.

Nếu họ bỏ đi vĩnh viễn, tức là đào ngũ, tội danh của họ sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với AWOL. Theo quân đội, khoảng 3.000 quân nhân AWOL đã trở về đơn vị kể từ khi chính sách trên có hiệu lực vào ngày 29/11.

Ngoài tâm lý mệt mỏi vì cuộc chiến kéo dài, một số quân nhân Ukraine cũng nêu ra lý do rời bỏ đơn vị là do bất mãn với bộ máy chỉ huy cứng nhắc.

Solomonyuk tham gia đơn vị phòng thủ lãnh thổ với mong muốn chiến đấu với đối thủ theo cách hiệu quả nhất, nhưng ông đã nhanh chóng bị cản trở bởi sự thiếu tổ chức của đơn vị.

"Nếu một doanh nghiệp hoạt động theo cách tương tự đơn vị này, nó sẽ nhanh chóng thất bại", ông nói.

Nhóm 6 người của ông chỉ được giao một khẩu súng máy hạng nặng Browning, được thiết kế vào gần cuối Thế chiến I, để bắn hạ UAV Shahed. Trước khi họ có thể bắt đầu làm nhiệm vụ, Solomonyuk và đồng đội phải huy động khoảng 700.000 Hryvnia (16.900 USD) để mua một chiếc xe tải cũ làm khung gầm di động để đặt khẩu súng lên trên, cùng với một ăng-ten internet vệ tinh Starlink và các công cụ khác.

Tuy nhiên, sau đó sĩ quan chỉ huy của ông đã ra những mệnh lệnh mà ông cho là nguy hiểm, ví dụ bắt buộc tất cả họ phải luôn luôn ở cạnh nhau, tức là nếu họ bị tấn công, cả 6 người đều gặp rủi ro thiệt mạng.

Sau đó, họ đã tìm cách xin sang một lữ đoàn khác nhưng việc thuyên chuyển đã bị ngăn cản. Tâm lý bất mãn và mệt mỏi khiến hầu hết các binh sĩ trong nhóm này chọn phương án AWOL.

Mặt khác, ngày càng nhiều binh sĩ Ukraine có nhiệm vụ chuyên biệt như lính phòng không, người điều khiển UAV được điều ra tiền tuyến làm bộ binh, vị trí mà Kiev đang rất cần. Tuy nhiên, bộ binh có rủi ro cao nhất và việc phải chiến đấu dài hạn trên mặt trận khốc liệt khiến cho họ nhanh chóng bị nhụt chí và chọn rời đi. 

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine