1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ viện trợ thêm 2,6 tỷ USD vũ khí cho Ukraine trước trận chiến lớn

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine với tổng trị giá 2,6 tỷ USD hôm 4/4.

Mỹ viện trợ thêm 2,6 tỷ USD vũ khí cho Ukraine trước trận chiến lớn - 1

Lính Ukraine vận hành lựu pháo của Mỹ ở Bakhmut (Ảnh: Getty).

Gói viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine bao gồm 500 triệu USD cho các khí tài mới như rocket cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, đạn cho hệ thống phòng không Patriot, đạn pháo và đạn cho các vũ khí hạng nhẹ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng phân bổ 2,1 tỷ USD trong quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine để mua các loại vũ khí, đạn dược và thiết bị khác.

"Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, để đáp ứng nhu cầu trước mắt của Kiev trên chiến trường và các yêu cầu hỗ trợ an ninh dài hạn", Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, phương Tây đã rót viện trợ quân sự đáng kể cho chính quyền Kiev. Mỹ cho đến nay vẫn là nước viện trợ nhiều nhất. 

Nga đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và các đồng minh chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho rằng những động thái này chỉ làm leo thang và kéo dài cuộc chiến. Theo Moscow, với việc phương Tây cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện cho quân đội của Kiev, họ trên thực tế đã trở thành một bên của cuộc xung đột.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng từng nhận định, cách duy nhất để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán là tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine. Ông cảnh báo Nga sẽ không đàm phán nếu Moscow tin rằng nước này có thể giành chiến thắng trên chiến trường. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, nhà lãnh đạo NATO cũng nói rằng, hỗ trợ quân sự cho Ukraine là "con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình".

Ukraine nhiều lần cho biết, nước này cần 600-700 xe chiến đấu bộ binh và 300 xe tăng từ phương Tây để giúp xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga. Gần đây, các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, Anh, Đức đồng loạt tuyên bố sẽ chuyển xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại cho Ukraine. Ngoài ra, Kiev cũng kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu và vũ khí hạng nặng để đối phó với Moscow.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai, giới chức Mỹ ngày càng lo ngại rằng kho vũ khí, đạn dược cũng như binh sĩ được huấn luyện bài bản của Kiev cạn kiệt dần. Gói viện trợ mới của Mỹ được công bố trong bối cảnh Nga và Ukraine vẫn giao tranh khốc liệt tại các mặt trận, đặc biệt ở thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk.

Cả Nga và Ukraine đều đang dồn nguồn lực cho cuộc chiến ở Bakhmut, một thành phố mà Washington cho rằng không có nhiều ý nghĩa chiến lược. Thay vào đó, Mỹ muốn Ukraine tập trung nguồn lực, chuẩn bị cho chiến dịch phản công quy mô lớn vào cuối mùa xuân để giành lại lãnh thổ. Chiến dịch này có thể bắt đầu từ tháng 5.

Mỹ và các đồng minh đã cam kết cấp hàng trăm xe tăng và xe chiến đấu bọc thép cho Ukraine, đồng thời đang thảo luận biện pháp đáp ứng nhu cầu đạn dược ngày càng lớn của Kiev. Ở hậu trường, giới chức Mỹ khuyến cáo Ukraine sử dụng đạn pháo hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt ở mặt trận Bakhmut, để duy trì nguồn lực cho chiến dịch phản công.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine