1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tính toán chiến lược phía sau các khoản viện trợ của phương Tây cho Ukraine

Nguyên Long

(Dân trí) - Mỹ và phương Tây đều có những tính toán chiến lược phía sau sự ủng hộ mạnh mẽ về vũ khí quân sự và tinh thần cho Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài với Nga hơn một năm qua.

Tính toán chiến lược phía sau các khoản viện trợ của phương Tây cho Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Kiev ngày 20/2 (Ảnh: AFP).

Một hơn năm đã trôi qua kể từ khi Nga bắt đầu triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine nhưng chiến sự vẫn diễn biến phức tạp và đang tiếp tục bào mòn sức lực của các bên tham chiến. Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin muốn hướng tới việc viết lại các quy tắc của "trật tự thế giới đơn cực" để xây dựng các quy tắc của trật tự thế giới mới, đa cực, khởi đầu bằng hoạt động quân sự tại Ukraine.

Mỹ và phương Tây đã không đứng yên trước tham vọng trên của Nga và đã hậu thuẫn Ukraine ngay từ những ngày đầu và tận dụng toàn bộ ưu thế về kinh tế, công nghệ nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga. Theo tính toán của hãng thông tấn TASS của Nga, kể từ khi chiến sự nổ ra vào cuối tháng 2/2022 đến nay, tổng viện trợ mà Ukraine nhận được từ phương Tây và các tổ chức quốc tế là hơn 150 tỷ USD, trong đó viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine vào khoảng 48,5 tỷ USD, gần bằng 95% ngân sách quốc phòng năm 2022 của Nga (51,1 tỷ USD). Mỹ là quốc gia ủng hộ lớn nhất của Ukraine khi đã phê duyệt khoản viện trợ hơn 100 tỷ USD cho nước này với tổng viện trợ quân sự từ khi chiến sự bùng phát tới nay là hơn 24,9 tỷ USD. Các đồng minh NATO khác của Mỹ như Anh, Canada, Đức, Italy, Hà Lan, Ba Lan… đã viện trợ hơn 19 tỷ USD cho Ukraine cùng hàng chục tỷ USD khác để hỗ trợ Kiev duy trì kinh tế; đồng thời liên tục cung cấp vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến đấu cho Ukraine.

Trong bối cảnh triển vọng hòa đàm Nga - Ukraine vẫn đang vô cùng mờ mịt, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn quyết tâm hỗ trợ Ukraine đến khi cần và đã lên phương án khả thi hơn là cung cấp cho Ukraine những vũ khí tiên tiến hạng nặng để giúp nước này thay đổi cục diện và áp đảo khả năng chiến đấu của Nga nhằm giành lợi thế tốt nhất trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là Mỹ và phương Tây có những tính toán chiến lược gì đằng sau các khoản viện trợ khổng lồ dành cho Kiev?

Mục tiêu chiến lược của Mỹ và phương Tây

Mỹ đã đạt được những mục tiêu chiến lược lớn từ việc hỗ trợ Ukraine. Một số chuyên gia đánh giá, những khoản viện trợ của Washington là một trong "những khoản đầu tư tốt nhất mà Mỹ" có thể thực hiện để cạnh tranh với Nga và thúc đẩy an ninh của chính mình.

Một là, về mặt chiến lược, cuộc xung đột tại Ukraine đã được ví như một cuộc chiến ủy nhiệm của Mỹ với Nga. Mỹ đã có thể "danh chính ngôn thuận" cùng các đồng minh và đối tác hiệp lực trừng phạt Nga một cách sâu rộng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, Mỹ luôn có những tính toán và sự phân chia chiến lược rõ ràng. Họ đang đầu tư những gì mà họ coi là vì lợi ích quốc gia của mình và Ukraine là một ví dụ điển hình. Những gì mà Mỹ đang chi cho cuộc chiến ở Ukraine có thể coi là một khoản đầu tư hơn chi phí phải bỏ ra.

Hai là, Mỹ muốn đảm bảo Ukraine có thể tồn tại, qua đó giúp duy trì và gia tăng niềm tin của các đồng minh và đối tác về vai trò lãnh đạo của Mỹ. Việc Mỹ ngay từ đầu đã cung cấp ồ ạt viện trợ cho Ukraine và tiếp tục gia tăng các khoản viện trợ bổ sung, nhất là về mặt quân sự cho Ukraine khi cuộc chiến leo thang nhằm tạo niềm tin cho các đồng minh phương Tây về sự đảm bảo khả năng răn đe mở rộng của Mỹ. Hơn nữa, đây cũng là một mũi tên trúng nhiều đích. Việc cung cấp viện trợ cho Ukraine còn giúp Mỹ củng cố niềm tin với các quốc gia đồng minh và đối tác của họ ở châu Á và Trung Đông rằng họ có thể trông chờ và tin cậy vào các cam kết của Mỹ. Rõ ràng rằng, nếu không thể cung cấp viện trợ cho Ukraine, điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ đã thua trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm bất chấp tất cả sức mạnh của một cường quốc về kinh tế và quân sự mà họ đang có.

Ba là, Mỹ muốn đạt được đòn bẩy chiến lược to lớn: Nga đã bắt đầu cuộc chiến với nhiều nguồn lực quân sự và tài chính hơn Ukraine. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), năm 2021, GDP của Nga là 1.775 tỷ USD, gấp gần 9 lần so với GDP của Ukraine (201 tỷ USD) và cũng trong năm này, Nga đã chi 62,2 tỷ USD cho quốc phòng, gấp 14 lần so với mức 4,35 tỷ USD mà Ukraine đã chi. Tuy nhiên, cùng với các khoản viện trợ của Mỹ và đồng minh cũng như các biện pháp trừng phạt và áp lực ngoại giao, nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tiêu hao chưa biết khi nào có hồi kết. Điều này đồng nghĩa với việc, Nga đang bị tụt lại sau Mỹ. Quan trọng không kém, vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc tạo ra các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế và xuất khẩu năng lượng của Nga đã buộc Nga phải tiến hành một cuộc chiến tranh không hồi kết khi đối mặt với những tổn thất lớn về thu nhập xuất khẩu và những hạn chế nghiêm trọng đối với hàng nhập khẩu mà nước này cần cho các lực lượng quân sự và nền kinh tế của mình. Mỹ đang tạo được đòn bẩy chiến lược to lớn đối với Nga.

Bốn là, cuộc xung đột Nga - Ukraine mở ra cơ hội phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Cuộc chiến càng kéo dài, mức độ ác liệt của chiến tranh càng tăng thì Mỹ càng ra sức ủng hộ Ukraine. Đây cũng là lúc mà ngành công nghiệp quân sự của Mỹ phát huy hết hiệu quả không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới. Ngành công nghiệp quân sự của Mỹ có thêm nhiều hợp đồng lớn, bao gồm cả các khách hàng tiềm năng. Hơn nữa, cuộc chiến này cũng mang đến cơ hội hiếm có cho Mỹ và đồng minh có thể nghiên cứu cách thức hoạt động của các hệ thống vũ khí của Kiev và Moscow cũng như kiểm nghiệm hiệu quả các loại đạn dược và khí tài quân sự mà họ tài trợ cho Kiev. Rõ ràng, đây là một cuộc thử nghiệm chiến đấu trong thế giới thực. Mỹ cũng nghiên cứu kỹ lưỡng cuộc xung đột để rút ra những bài học về cuộc chiến giữa hai quốc gia trong thế kỷ 21. Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng nhân cơ hội mới này để nghiên cứu và tiếp thị hệ thống vũ khí và trang thiết bị quân sự của họ tới cách khách hàng tiềm năng.

Hơn nữa, với quân đội Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine còn là nguồn dữ liệu rất lớn về cách thức các hệ thống vũ khí của họ hoạt động trong điều kiện thực tế. Theo một sĩ quan quân đội Mỹ, một số loại vũ khí tiên tiến được gửi cho Ukraine như UAV Switchblade 300 hay tên lửa chống radar đã hoạt động kém hiệu quả trên chiến trường so với dự đoán.

Năm là, Mỹ phần nào được hưởng lợi ích về kinh tế do tác động từ cuộc chiến này. Các đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã vô hình trung biến châu Âu thành khách hàng béo bở mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng với giá cao từ thị trường Mỹ thay vì khí đốt giá rẻ từ Nga như trước kia. Trong bối cảnh châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, chiến tranh năng lượng với Nga và đang loay hoay tìm cách "cai" khí đốt của Nga thì Mỹ dường như đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này.

Cùng với đồng minh Mỹ, các nước phương Tây đã tích cực viện trợ kinh tế, cung cấp vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến đấu để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Stoltenberg vẫn khẳng định rằng cả NATO và các đồng minh của NATO đều không tham gia vào cuộc xung đột; những gì họ làm chỉ là hỗ trợ cho Ukraine theo diễn biến của cuộc chiến và Ukraine đang tự bảo vệ mình.

Thứ nhất, cho đến nay các nước phương Tây vẫn không gửi quân đến tham chiến ở Ukraine mà chỉ dừng lại ở viện trợ kinh tế và quân sự vì lo ngại kích động xung đột trực tiếp với Ukraine. Họ cũng từ chối vận hành vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine vì lý do tương tự. Tuy nhiên, mức độ viện trợ của phương Tây cho cuộc chiến của Ukraine đang ngày càng tăng dần theo diễn biến của tình hình chiến sự.

Thứ hai, việc NATO tích cực hỗ trợ cuộc chiến Ukraine khiến khối này được hưởng lợi khi không cần mất quá nhiều công sức đã có thể đẩy đường biên NATO đến sát chân nước Nga khi bất ngờ có thêm Phần Lan và Thụy Điển - hai nước có tiềm lực kinh tế, quốc phòng hùng hậu với vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng xin gia nhập. Có thể thấy, trong khi Nga chưa thực hiện được mục tiêu là ngăn NATO đặt tên lửa trên đất Ukraine nếu Ukraine trở thành thành viên NATO thì giờ đây khối này đã có đủ cơ sở để đặt tên lửa ngay ở vùng đất cửa ngõ Nga khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức trở thành thành viên của khối.

Ba là, cuộc xung đột cũng là cơ hội để cho thấy, phương Tây có thể đóng vai trò là bên có tiếng nói quan trọng. Một quan chức cấp cao EU đã nói rằng: "Châu Âu đang làm không quá tệ, họ đã thể hiện khả năng phục hồi, khả năng phản ứng rất nhanh ngay từ khi xung đột nổ ra, với những hỗ trợ quân sự cho Ukraine, viện trợ cho người tị nạn hay nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga". Hơn nữa, EU chắc chắn sẽ tìm cách đảm nhận vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Cuối năm 2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng trả lời phỏng vấn báo Le Monde rằng: "Tôi không muốn chỉ có Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán về những gì xảy ra tiếp theo với Ukraine". Đây cũng là cơ hội để châu Âu có những chuẩn bị cho tương lai và vị thế của mình trên bàn cờ toàn cầu chưa.

Bốn là, thông qua sự hỗ trợ cho cuộc chiến của Ukraine, các nước phương Tây cũng có được kinh nghiệm ngoại giao và quân sự thực tế vô giá cũng như cách hợp tác trong một cuộc chiến hiện đại; từ đó giúp họ hiện đại hóa các lực lượng chiến đấu cũng như toàn bộ cấu trúc quân sự của các lực lượng.

Với những chuyển hướng mới trong viện trợ quân sự cho Ukraine, Mỹ và phương Tây đã bước sang một thời kỳ mới, kết thúc giai đoạn "đi dây" vất vả một năm qua. Điều quan trọng giờ đây là phải làm sao để sớm chấm dứt cuộc chiến làm rung chuyển thế giới này bởi nó không chỉ đang để lại những tổn thất không thể đong đếm được cho riêng Ukraine hay Nga, mà còn tác động to lớn trên phạm vi toàn cầu khi ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống con người và làm xáo trộn trật tự địa chính trị thế giới.