Mỹ và phương Tây có thể cân nhắc loại Nga khỏi G20
(Dân trí) - Mỹ và phương Tây được cho đang xem xét khả năng khai trừ Nga khỏi nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 vì chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Reuters ngày 22/3 dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Mỹ và các đồng minh phương Tây dường như đang xem xét xem liệu Nga có nên tiếp tục nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới - G20 - hay không. Động thái này diễn ra trong bối cảnh, phương Tây đang gây áp lực dồn dập lên Nga trong thời gian qua để Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo các nguồn tin, các nỗ lực nhằm khai trừ Nga có thể sẽ bị những thành viên khác trong G20 phủ quyết, như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả rập Xê út. Điều này có thể dẫn tới viễn cảnh một số quốc gia có thể sẽ không dự họp G20 năm nay, theo Reuters.
G20 cùng với nhóm 7 nước có nền công nghiệp lớn hàng đầu thế giới (G7) đều là các nền tảng quốc tế quan trọng để điều phối các hoạt động trên thế giới, từ vấn đề biến đổi khí hậu tới kinh tế.
"Đã có những cuộc trao đổi về việc liệu Nga ở trong G20 có còn phù hợp hay không. Nếu Nga vẫn là thành viên G20, tổ chức này sẽ trở nên ít hiệu quả hơn", một nguồn tin cấp cao từ nhóm G7 nói với Reuters.
Khi được hỏi rằng liệu Mỹ có thúc đẩy hành động để khai trừ Nga khỏi G20 hay không, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết: "Chúng tôi tin rằng không thể coi như không có chuyện gì đã xảy ra với vị trí của Nga trong các tổ chức quốc tế và trong cộng đồng quốc tế".
Tuy nhiên, ông Sullivan nhấn mạnh, Mỹ lên kế hoạch tham vấn với các đồng minh trước khi bất cứ quyết định nào được đưa ra.
Mô hình G7 từng mở rộng thành G8 trong giai đoạn quan hệ giữa Nga và phương Tây nồng ấm hồi đầu những năm 2000. Tuy nhiên, Nga đã bị loại khỏi G8 sau khi họ quyết định sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Hôm qua, Ba Lan cho biết đã gợi ý với Mỹ về việc họ có thể trở thành nước thay thế Nga trong G20 và lời đề xuất này đã nhận được "phản ứng tích cực" từ Washington. Tuy nhiên, Mỹ nói chưa đưa ra quan điểm trên góc độ chính phủ về vấn đề này.