1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tàu sân bay Mỹ đến Địa Trung Hải "nắn gân" Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman của Hải quân Mỹ đã được triển khai đến Địa Trung Hải trong một sứ mệnh nhằm "răn đe" Nga và sẵn sàng lập vùng cấm bay ở Ukraine nếu được lệnh.

Tàu sân bay Mỹ đến Địa Trung Hải nắn gân Nga - 1

Trên boong tàu sân bay USS Harry S. Truman (Ảnh: AFP).

"Có nhiều tàu chiến và tàu ngầm Nga ở Địa Trung Hải, đó là lý do tại sao NATO cần có sự hiện diện tương xứng nhằm răn đe họ", Tư lệnh Hải quân Mỹ Carlos del Toro trả lời phỏng vấn hãng tin Politico đầu tuần.

Ông cho biết thêm, vai trò của tàu sân bay USS Harry S. Truman và các đồng minh khác là "răn đe Nga" và "sẵn sàng chờ lệnh của Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo thế giới nhằm bảo vệ đất nước và người dân Ukraine".

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman hiện đóng ở biển Ionian. Các máy bay trên tàu được cho là đã thực hiện hơn 75 nhiệm vụ tuần tra dọc sườn phía Đông của NATO, bao gồm cả biên giới Ukraine trong tháng 3/2022. Tàu sân bay lớp Nimitz này của Mỹ từng tham gia sứ mệnh của Mỹ tại Iraq và Afghanistan.

USS Harry S. Truman được biên chế vào năm 1998, là tàu sân bay thứ 8 thuộc lớp Nimitz. Tàu có chiều dài 333 m, rộng gần 77 m, lượng giãn nước 103.900 tấn. USS Harry S. Truman có thể mang theo 90 máy bay các loại. Tiêm kích chủ lực là F/A-18E/F Super Hornet.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến Địa Trung Hải để răn đe Nga. Mùa xuân năm 2014, Washington cũng từng triển khai tàu sân bay USS George H.W. Bush ở ngoài khơi phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Sứ mệnh của nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang căng thẳng. Mỹ và các nước phương Tây phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và đã liên tục viện trợ vũ khí giúp Kiev đối phó với Moscow. Mặc dù vậy, đến nay, Mỹ và NATO vẫn từ chối đề xuất của Ukraine về việc lập vùng cấm bay ở nước này.

Phương Tây lo ngại, việc cung cấp máy bay hay lập vùng cấm bay ở Ukraine có thể kéo theo xung đột trực tiếp với Nga. Giới Mỹ cho rằng, vào thời điểm này, Ukraine cần các vũ khí phòng không hơn là máy bay chiến đấu.

Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2, sử dụng các vũ khí chính xác cao để tấn công các mục tiêu quân sự ở nước này. Giới tình báo phương Tây tin rằng, sau gần tròn một tháng, Nga dường như không đạt được mục tiêu đề ra, đà tiến công đang chững lại do vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội Ukraine. 

Các chuyên gia phân tích và giới quân sự phương Tây nhận định, Moscow có thể đang điều chỉnh chiến lược ở Ukraine. Daniel Fried, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá Nga có thể đang chuyển sang chiến lược tìm cách kiểm soát các khu vực quan trọng ở Ukraine nhằm giành lợi thế, gây áp lực để Kiev chấp nhận thỏa thuận Moscow đưa ra. Các yêu cầu Moscow đưa ra gồm Ukraine phải đảm bảo vị thế trung lập, không gia nhập NATO, giải trừ quân bị, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho 2 vùng ly khai ở miền Đông.

Theo Politico
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm