Mỹ tiết lộ mức giá trần dự tính áp lên dầu Nga
(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen công bố mức giá trần mà Washington dự tính áp lên dầu mỏ của Nga, để ngăn cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Trong một sự kiện ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bộ trưởng Yellen cho biết, việc đặt mức giá 60 USD/thùng có thể sẽ làm giảm doanh thu của Moscow trong khi vẫn đảm bảo Nga thu được lợi nhuận từ việc sản xuất.
"Vì vậy, chắc chắn là ở trong tầm giá như vậy, Nga sẽ sản xuất và bán dầu có lợi nhuận", bà nói, nhấn mạnh rằng chi phí sản xuất của Nga ở mức thấp.
Bà Yellen cho rằng, Nga đã sẵn sàng sản xuất và bán dầu mỏ ở mốc 60 USD mỗi thùng từ 5-7 năm qua. Dầu thô Ural của Nga hiện đang có giá 75 USD mỗi thùng trong những tháng gần đây, thấp hơn 17 USD so với dầu thô Brent.
"Mục tiêu của việc áp giá trần là ngăn hậu quả từ việc giá dầu toàn cầu tăng vọt", bà Yellen giải thích.
Bà cho hay, Washington và các đồng minh vẫn đang thảo luận về cơ chế áp giá trần khí đốt Nga.
Sáng kiến của Mỹ trong việc áp giá trần dầu Nga đã nhận được sự ủng hộ từ các nước G7. Tuy nhiên, các khách hàng lớn của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ, cùng một số nước đang phát triển không ủng hộ sáng kiến này.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng, Nga sẽ không cung cấp năng lượng cho các quốc gia áp dụng các biện pháp đi ngược lại với các điều khoản hợp đồng dầu mỏ và khí đốt.
Ngoài ra, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay, chính quyền Biden dự tính có thể sẽ ban lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu nhôm từ Nga để đáp trả việc Moscow tập kích tên lửa quy mô lớn Ukraine trong những ngày qua.
Theo nguồn tin, Nhà Trắng đang xem xét 3 phương án, bao gồm lệnh cấm ngay lập tức, ban hành thuế quan ở mức cao hoặc trừng phạt công ty Nga Rusa, doanh nghiệp sản xuất nhôm.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Moscow. Nga cho rằng, đây là lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ tại châu Âu trong những tháng qua.
Ngoại trưởng Hungary - một quốc gia thành viên EU, Peter Szijjarto dự đoán cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ kéo dài tới năm 2023 và 2024, thậm chí có thể xa hơn.