1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga tìm cách lách lệnh áp giá trần dầu của phương Tây

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết Moscow sẽ hướng đến thị trường châu Á sau khi G7 áp giá trần đối với dầu của nước này.

Nga tìm cách lách lệnh áp giá trần dầu của phương Tây - 1

Đường ống dầu khí Nord Stream ở Đức (Ảnh: Reuters).

Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok hôm 6/9, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết Moscow sẽ đáp trả việc G7 áp giá trần đối với dầu Nga bằng cách đẩy mạnh nguồn cung dầu sang châu Á.

"Bất kỳ hành động nào nhằm áp trần giá dầu Nga sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung dầu tại thị trường của chính các quốc gia khởi xướng (sáng kiến này), đồng thời làm tăng sự biến động giá cả", ông Shulginov nói.

Các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G7 ngày 2/9 nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu có xuất xứ từ Nga. Các bộ trưởng cho biết mức trần ban đầu sẽ dựa trên các yếu tố kỹ thuật và mức giá này sẽ được điều chỉnh lại khi cần thiết.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố, mục đích của việc áp giá trần là để "ngăn chặn nguồn tài chính quan trọng cho chiến dịch của Nga tại Ukraine, đồng thời ngăn chặn sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc G7 áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây bất ổn "đáng kể" cho thị trường năng lượng, đồng thời buộc người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu phải chi trả.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 1/9 tuyên bố, Moscow sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ kế hoạch áp giá trần dầu Nga do Washington đề xuất.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã áp dụng nhiều lệnh trừng phạt lên mặt hàng năng lượng của Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn đang chống chịu, thậm chí thu được lợi nhuận lớn hơn từ các mặt hàng dầu mỏ, khí đốt chủ lực, trong khi nhiều nước châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn tới lạm phát kỷ lục. 

Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng toàn cầu Mỹ Amos Hochstein hồi tháng 6 thừa nhận, Nga đang có doanh thu cao hơn từ các mặt hàng dầu khí so với trước xung đột. Nga đã thu về 24 tỷ USD từ việc bán năng lượng cho Trung Quốc và Ấn Độ chỉ 3 tháng sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Chi tiêu gia tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ giúp Nga bù đắp việc giảm mua hàng từ Mỹ và một số quốc gia khác, sau khi các nước này áp lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các lệnh cấm vận nhiên liệu của Nga khiến giá các nguồn cung thay thế tăng vọt, đồng thời thúc đẩy lạm phát khiến các nền kinh tế lớn có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Nga có mối quan hệ thương mại và chiến lược lâu năm với Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời với việc giảm giá mạnh, Nga cũng chấp nhận thanh toán bằng nội tệ để duy trì dòng chảy thương mại sang các nước này mạnh hơn trong năm nay.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định phương Tây sẽ không thể cô lập một nước lớn như Nga, trong khi Moscow cũng không tách mình khỏi phần còn lại của thế giới. Ông Putin tuyên bố Nga sẽ tăng cường tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt và than đá tại thị trường nội địa, đồng thời thúc đẩy quá trình chế biến nhiên liệu thô. Ngoài ra, Nga cũng sẽ tìm kiếm các thị trường mới như châu Á để xuất khẩu năng lượng.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine