1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ thay đổi chiến lược đối với xung đột Nga -Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nhân chuyến thăm Ukraine, giới chức Mỹ phát đi thông điệp về mục tiêu mới, dài hạn hơn đối với xung đột Nga - Ukraine, khi chiến sự giữa hai nước này đã bước sang giai đoạn hai.

Mỹ thay đổi chiến lược đối với xung đột Nga -Ukraine - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin họp báo sau chuyến thăm Kiev ngày 24/4 (Ảnh: Reuters).

Phát biểu với phóng viên sau chuyến thăm thủ đô Kiev của Ukraine cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng: "Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu tới mức họ không thể làm những gì đã làm trước đó trong chiến dịch quân sự ở Ukraine… Chúng tôi muốn thấy họ không thể nhanh chóng tái bổ sung lực lượng".

Một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng cho biết, phát ngôn của Bộ trưởng Austin thống nhất với mục tiêu mà Mỹ đã đề ra. "Một trong những mục tiêu của chúng tôi là hạn chế khả năng của Nga làm việc này (chiến dịch quân sự) một lần nữa, như Bộ trưởng Austin nói. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục trang bị cho Ukraine các vũ khí, trang thiết bị để họ phòng vệ trước các đợt tấn công của Nga, và đó cũng là lý do tại sao chúng tôi dùng biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhằm trực tiếp vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga nhằm làm suy yếu năng lực quân sự, kinh tế của Nga", người phát ngôn trên cho hay.

Các nguồn thạo tin cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lạc quan rằng, đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được. Họ tin rằng việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể làm suy yếu đáng kể năng lực quân sự của Nga trong dài hạn.

Trước đó, giới chức Mỹ không tuyên bố một cách rõ ràng rằng mục tiêu của Washington là làm suy yếu năng lực quân sự của Nga vì vẫn hy vọng rằng các bên có thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt xung đột. Sự thay đổi này đã nhen nhóm từ vài tuần qua khi Mỹ và các đồng minh phương Tây bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng hơn, hiện đại hơn cho Ukraine.

Mỹ đã bắt đầu gửi những vũ khí tinh vi hơn cho Ukraine như lựu pháo, máy bay không người lái chiến thuật. Ngoài ra, Mỹ cũng chuẩn bị huấn luyện cho lực lượng của Ukraine sử dụng vũ khí hiện đại, điều mà theo ông Austin là cần thiết để Washington có thể nhanh chóng cung cấp khí tài mạnh hơn cho Kiev. "Chúng tôi cho rằng đây là một khoản đầu tư nhằm làm suy yếu lục quân, hải quân Nga trong một thập niên tới", một nguồn tin quốc hội Mỹ cho hay.

Mặc dù vậy, Mỹ và các đồng minh vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng khi gây sức ép lên Nga để hạn chế tác động đến kinh tế toàn cầu cũng như nguy cơ xung đột lan rộng.

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ xử lý như thế nào với các lệnh trừng phạt Moscow nếu Nga đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine và đồng ý rút quân. Một số nguồn thạo tin nói rằng, Mỹ có thể cân nhắc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Mặt khác, Mỹ và các đồng minh, trong đó có Anh, đang cân nhắc cơ chế "tạm ngưng" cho phép họ nhanh chóng áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nếu Moscow vi phạm bất cứ thỏa thuận nào với Kiev.

Theo Politico, Washington Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine