1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phản ứng của phương Tây khi Nga tuyên bố thu hẹp chiến dịch ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine và các nước phương Tây tỏ ra thận trọng sau khi Nga tuyên bố giảm đáng kể hoạt động quân sự ở khu vực quanh thủ đô Kiev và Chernihiv, tập trung vào mục tiêu Donbass ở miền Đông.

Phản ứng của phương Tây khi Nga tuyên bố thu hẹp chiến dịch ở Ukraine - 1

Ảnh vệ tinh đoàn xe quân sự Nga gần thủ đô Kiev của Ukraine (Ảnh: Guardian).

Guardian đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 29/3 tuyên bố, quân đội nước này đã hoàn tất giai đoạn một của chiến dịch quân sự ở Ukraine và chuyển trọng tâm sang "giải phóng" vùng ly khai Donbass ở miền Đông Ukraine. 

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết, Moscow sẽ giảm đáng kể hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv, quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Ông Fomin lý giải, quyết định giảm hoạt động quân sự được đưa ra nhằm cải thiện lòng tin chung giữa hai bên, đặt nền móng cần thiết cho các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Nga và Ukraine.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ có những tín hiệu tích cực. Giới chức Ukraine và Mỹ sau đó xác nhận, lực lượng của Nga đang rút dần khỏi các mặt trận gần thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv. Tuy nhiên, phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng với tuyên bố của Moscow.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, các cuộc đàm phán với Nga cho thấy những tín hiệu tích cực, song không phải vì thế mà Kiev lơ là các nỗ lực phòng thủ.
Tại cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Nga đã bắt đầu di chuyển các nhóm nhỏ binh sĩ khỏi những vị trí xung quanh Kiev, song Washington cho rằng đây là một động thái phân bổ lại lực lượng hơn là rút quân. "Điều đó có nghĩa là mối đe dọa với Kiev chưa hết", ông Kirby nói.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Chúng ta sẽ chờ xem. Tôi chưa thể khẳng định điều gì khi chưa tận mắt thấy các hành động của họ… Chúng ta cần tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt cứng rắn (với Nga). Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ cho quân đội Ukraine, giúp họ nâng cao năng lực phòng vệ và tiếp tục theo sát các diễn biến".

Một số quan chức phương Tây coi việc Nga "giảm đáng kể" hoạt động quân sự gần Kiev và Chernihiv chỉ là động thái mang tính chiến thuật trong bối cảnh chiến dịch quân sự bị trì trệ do vấp phải sự kháng cự.

Một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay: "Chúng tôi sẽ đánh giá thông qua hành động của họ, không phải chỉ qua những tuyên bố". Quan chức này cũng tuyên bố thêm, chính phủ và quân đội Anh đang xem xét "tất cả các phương án có thể" nhằm đảm bảo Ukraine có những trang thiết bị cần thiết để nâng cao năng lực phòng thủ, song vẫn tránh làm leo thang tình hình.

Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine.

Trong một nỗ lực nhằm tháo ngòi xung đột, phái đoàn hai bên ngày 29/3 đã tiến hành hòa đàm trực tiếp lần thứ 4 tại Istanbul. Tại vòng đàm phán này, phía Ukraine đề xuất chấp nhận quy chế trung lập nghĩa là Ukraine sẽ không gia nhập liên minh quân sự, không cho lực lượng nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ, đổi lại Kiev sẽ có được các bảo đảm an ninh. Ngoài ra, Ukraine đề xuất hai bên tiếp tục tham vấn trong 15 năm tiếp theo về quy chế pháp lý của Crimea, nhưng chỉ có hiệu lực khi hai bên ngừng bắn hoàn toàn. Giới chức Nga cho biết sẽ xem xét các đề xuất này của Ukraine.

Theo Dailymail, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine