Mỹ nói đã giao cho Kiev 98% phương tiện chiến đấu, Ukraine phủ nhận
(Dân trí) - Ukraine phủ nhận thông tin của một tướng Mỹ rằng Washington đã chuyển cho Kiev 98% phương tiện chiến đấu như cam kết.
Cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podoliak, ngày 26/4 cho biết Ukraine vẫn cần thêm vũ khí và thiết bị cho cuộc phản công mùa xuân, đặc biệt là đạn pháo.
Ông không đồng ý với phát biểu vào cùng ngày tướng Mỹ Christopher Cavoli, Tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, rằng 98% phương tiện chiến đấu mà phương Tây cam kết viện trợ đã được chuyển tới Ukraine.
Ông Podoliak nhấn mạnh số liệu thống kê của ông Cavoli chưa được cập nhật và chỉ có Bộ Tổng tham mưu Ukraine mới có thể đưa ra những con số chính xác.
"Theo tôi, 98% là con số quá nhiều, quá lớn. Ukraine cần phải có nhiều thiết bị hơn, vì Kiev thực sự thiếu đạn, đặc biệt là cỡ nòng lớn. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này", ông Podoliak nói.
Ông cho rằng, tốc độ viện trợ hiện tại của phương Tây cho phép quân đội Ukraine thực hiện "một số động thái nhất định" ở tiền tuyến, đồng thời nhấn mạnh không bao giờ là đủ vũ khí và thiết bị khi đối mặt với một đối thủ như Nga.
Ông gợi ý, cuộc phản công của Ukraine có thể đã bắt đầu, nhấn mạnh đây không phải là một sự kiện riêng lẻ mà là một chuỗi các cuộc giao tranh trên nhiều mặt trận. Trước đó, Ukraine tuyên bố sẽ không thông báo trước về thời điểm phản công trong bối cảnh nhiều chuyên gia cảnh báo Kiev sẽ đối mặt với những thách thức đáng kể.
Trong một diễn biến khác có liên quan, trên Twitter, ông Podoliak nhận định rằng phương Tây đã theo đuổi chính sách hạt nhân không đúng đắn, dẫn tới cuộc chiến ở Ukraine.
Cụ thể, quan chức này chỉ ra rằng, Mỹ và đồng minh đã thúc đẩy Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ và cam kết có biện pháp bảo vệ Kiev. Tuy nhiên, theo ông, điều này đã khiến Nga hiểu sai, dẫn tới cuộc xung đột hiện tại.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Kiev sở hữu một kho dự trữ vũ khí hạt nhân còn sót lại từ thời là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Năm 1994, Ukraine đồng ý giao nộp những vũ khí hạt nhân này.
Washington, Moscow và Kiev đã ký Tuyên bố ba bên vào năm 1994, với Bản ghi nhớ Budapest cùng năm hứa hẹn đảm bảo an ninh cho Ukraine để đổi lấy việc loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi nước này.
Ông Podoliak nhắc tới nghị quyết mà các hạ nghị sĩ Mỹ thông qua hôm 25/4 về việc hỗ trợ cho Ukraine. Ông nói: "Nghị quyết của các nhà làm luật Mỹ đã nêu rõ sự thật rằng, Mỹ và các nước phương Tây đã khuyến khích Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân để được đảm bảo an ninh và ổn định. Đây là một chính sách sai lầm đã bị Nga hiểu sai và dẫn đến một cuộc chiến lớn ở châu Âu".
Ông Podoliak cho rằng, việc Ukraine giành lại các lãnh thổ từ Nga, tôn trọng luật pháp quốc tế và kết nạp Kiev vào NATO là "cách duy nhất để đảm bảo an ninh ở châu Âu hiện tại".
Cả Nga và Mỹ chưa bình luận về phát biểu của ông Podoliak.