Mỹ lên tiếng sau khi Belarus cảnh báo Wagner muốn tiến vào Ba Lan
(Dân trí) - Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ Ba Lan theo cam kết của các đồng minh NATO trong trường hợp nước này bị thế lực bên ngoài tấn công.
Trong cuộc họp báo ngày 24/7, phóng viên đã hỏi phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Mỹ Matthew Miller về những tuyên bố mới đây của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về việc lính Wagner muốn tiến vào Ba Lan.
Ông Miller nói: "Tôi chỉ muốn nhắc lại rằng liên minh của chúng tôi với Ba Lan rất vững chắc. Tất nhiên, Ba Lan là một thành viên của NATO và chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO, nếu cần".
Trước đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 23/7, Tổng thống Belarus Lukashenko nói, các lính Wagner đóng tại Belarus muốn tiến về Ba Lan, nơi được cho là đầu mối vận chuyển vũ khí phương Tây vào Ukraine.
"Có lẽ tôi không nên nói điều này, nhưng tôi vẫn phải nói. Nhóm Wagner bắt đầu khiến chúng tôi căng thẳng. Họ nói muốn tiến về phía tây. Tôi hỏi vì sao họ muốn tây tiến, họ nói muốn làm một chuyến tới Warsaw, tới Rzeszow", nhà lãnh đạo Belarus cho biết.
Warsaw là thủ đô của Ba Lan trong khi thành phố Rzeszow ở miền Đông nước này một trung tâm mà NATO sử dụng để cung cấp vũ khí, đạn dược, thiết bị và sửa chữa cho Ukraine.
Ba Lan là một thành viên của NATO có chung đường biên giới với Ukraine và Belarus. Ba Lan cũng là một trong những quốc gia hỗ trợ đáng kể cho Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng.
Ba Lan đã siết chặt an ninh ở biên giới với Belarus từ đầu tháng 7 để đề phòng các mối đe dọa khi Wagner bắt đầu chuyển từ Nga sang Belarus theo thỏa thuận với Điện Kremlin. Hôm 24/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak tuyên bố thành lập một đơn vị mới, đóng quân gần biên giới với Lithuania ở khu vực Suwalki Gap, ngăn cách Belarus với vùng Kaliningrad ở biển Baltic.
Sau vụ nổi loạn bất thành ở Nga hồi cuối tháng 6, Wagner bắt đầu chuyển quân và vũ khí đến một căn cứ bỏ không ở Belarus, sát biên giới Ba Lan. Tại đây, lính Wagner huấn luyện cho các đơn vị quân đội của Belarus.
Tuần trước, ông Putin cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Belarus từ phía Ba Lan sẽ bị coi là một cuộc tấn công vào chính Nga.
Moscow và Minsk hiện có hiệp ước phòng thủ chung và Nga cũng đang duy trì một lực lượng quân sự nhất định ở Belarus. Tháng trước, Nga xác nhận bắt đầu triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở quốc gia đồng minh Belarus trong bối cảnh căng thẳng với NATO liên quan tới về vấn đề Ukraine leo thang.
Tổng thống Putin cáo buộc Ba Lan đang lập một liên minh với Lithuania để kiểm soát các vùng phía tây Ukraine dưới vỏ bọc gìn giữ hòa bình và có thể tiến đến Belarus. Tuy nhiên, giới chức Ba Lan đã bác bỏ cáo buộc này.
Ba Lan từng kiểm soát một dải lãnh thổ hiện thuộc về Ukraine, Belarus và Lithuania từ năm 1919 đến 1939. Vùng biên giới phía đông này đã được chuyển lại cho Liên Xô vào cuối Thế chiến II.