1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Belarus nói Wagner có thể vượt biên giới vào Ba Lan

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo lính Wagner đang muốn "ghé thăm" Ba Lan, nơi được cho là đầu mối đưa vũ khí phương Tây vào Ukraine.

Tổng thống Belarus nói Wagner có thể vượt biên giới vào Ba Lan - 1

Lính Wagner trong vụ nổi loạn ở Nga hôm 24/6 (Ảnh: Reuters).

"Lính Wagner bắt đầu khiến chúng tôi căng thẳng. Họ muốn tiến đến phương Tây và nói rằng hãy du ngoạn đến Warsaw và Rzeszow", Tổng thống Belarus Lukashenko phát biểu trong cuộc họp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 23/7.

Ông lý giải, lực lượng quân sự tư nhân Wagner cho rằng Warsaw và Rzeszow là những đầu mối để đưa vũ khí phương Tây vào chiến trường Ukraine.

"Họ biết vũ khí để hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc giao tranh ở Bakhmut đến từ đâu. Vì vậy, họ coi Rzeszow là rắc rối", ông Lukashenko cho hay.

Nhà lãnh đạo Belarus cho biết thêm, các thành viên Wagner biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh Nga và Belarus. Do vậy, ông không muốn họ chuyển đến một nơi nào đó cách xa trung tâm đất nước, đặc biệt là khi họ đang ở trong "tâm trạng tồi tệ".

Những bình luận của ông Lukashenko được cho là bóng gió cảnh báo nước láng giềng Ba Lan.

Trước đó, ông Putin cáo buộc giới chức Ba Lan đang lên kế hoạch lập một liên minh do NATO hậu thuẫn để can thiệp trực tiếp vào xung đột Ukraine, tiếp quản khu vực phía tây Ukraine cũng như đe dọa Belarus. Tuy nhiên, Ba Lan đã bác bỏ cáo buộc.

Belarus là một đồng minh của Nga, có chung biên giới với cả Ukraine và Ba Lan. Belarus đã đồng ý tiếp nhận lực lượng quân sự tư nhân Wagner, như một phần trong thỏa thuận nhằm chấm dứt vụ nổi loạn vũ trang của Wagner ở Nga hôm 24/6.

Theo trang tin quân sự độc lập Belaruski Hajun, tính đến cuối tuần này, 10 đoàn xe của Wagner đã đến Belarus, chở theo lính và vũ khí tới một căn cứ quân sự bỏ không của Belarus.

Ông Putin nói Ukraine phản công thất bại

Tại cuộc họp với người đồng cấp Belarus, Tổng thống Putin đề cập đến chiến dịch phản công của Ukraine. Ông cho rằng: "Không có chiến dịch phản công thực sự nào. Nó tồn tại, nhưng đã thất bại".

Chủ nhân Điện Kremlin cho biết, Nga đã phá hủy một lượng lớn xe bọc thép của Ukraine do phương Tây viện trợ. Ông lấy ví dụ, trong vòng 24 giờ qua, quân đội Nga đã phá hủy ít nhất 15 xe tăng Leopard do Đức sản xuất và hơn 20 xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ chế tạo.

Theo ông Putin, trong chiến dịch phản công mở màn vào đầu tháng 6 đến nay, Ukraine đã mất hơn 26.000 binh sĩ. Ông cũng cho hay, lực lượng lính đánh thuê ở Ukraine cũng hứng tổn thất nặng nề. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng nói rằng, Nga đã phá hủy hơn 3.000 thiết bị quân sự của Ukraine.

Trong khi đó, giới chức Ukraine thừa nhận tốc độ phản công tuy chậm hơn dự kiến, nhưng quân đội nước này tiếp tục đạt được các bước tiến nhằm làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Nga và giành lại lãnh thổ.

Giới phân tích phương Tây tin rằng, cục diện chiến sự sẽ thay đổi đáng kể trong thời gian tới khi Ukraine tung các lữ đoàn tinh nhuệ nhất được trang bị vũ khí hiện đại của phương Tây vào chiến trường.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine