1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ lên kế hoạch viện trợ tên lửa, huấn luyện hàng nghìn binh sĩ Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ được cho là lên kế hoạch mở rộng chương trình huấn luyện cho các lực lượng Ukraine, dự kiến diễn ra tại một căn cứ quân sự của Washington ở Đức.

Mỹ lên kế hoạch viện trợ tên lửa, huấn luyện hàng nghìn binh sĩ Ukraine - 1

Các tân binh Ukraine ngắm súng trường trong một khóa huấn luyện chiến đấu (Ảnh: AFP).

CNN dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên hôm 30/11 cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét mở rộng đáng kể chương trình huấn luyện cho các lực lượng Ukraine, bao gồm việc huấn luyện cho khoảng 2.500 quân nhân Ukraine mỗi tháng tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức.

Nếu kế hoạch này được thông qua, Mỹ không chỉ tăng số lượng quân nhân Ukraine được huấn luyện mà còn thay đổi hình thức huấn luyện mà họ nhận được.

Theo đó, Mỹ sẽ huấn luyện cho các nhóm binh sĩ Ukraine lớn hơn và nội dung huấn luyện sẽ bao gồm các chiến thuật tinh vi hơn, trong đó có cả các cuộc diễn tập với sự yểm trợ của pháo binh.

Các quan chức Mỹ cũng tiết lộ, khi các cuộc giao tranh tại Ukraine tạm lắng vào mùa đông, đây sẽ là cơ hội để Mỹ thúc đẩy hoạt động huấn luyện cho lực lượng Ukraine, vì sự ổn định ở tiền tuyến sẽ cho phép Kiev rút thêm quân về hậu phương để huấn luyện.

Nếu kế hoạch trên được chấp thuận, hoạt động huấn luyện sẽ diễn ra tại căn cứ quân đội Mỹ ở Grafenwoehr, Đức. Một quan chức Đức nói với CNN rằng, ông chưa thấy yêu cầu chính thức từ Mỹ về vấn đề này, nhưng các chính sách như vậy dường như "hoàn toàn phù hợp với những nỗ lực chung của chúng tôi trong việc hỗ trợ Ukraine".

Kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra ở Ukraine, một số quốc gia phương Tây đã cung cấp cho lực lượng Kiev các chương trình huấn luyện bên ngoài lãnh thổ. Ngoài Mỹ, Anh cũng lên kế hoạch huấn luyện 10.000 binh sĩ Ukraine trong một năm.

Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố Phái bộ Hỗ trợ Quân sự để cung cấp chương trình huấn luyện cho khoảng 15.000 binh sĩ Ukraine. Tuy nhiên, một số thành viên của khối đã từ chối tham gia, bao gồm Hungary. Bình luận về quyết định đứng ngoài cuộc, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto giải thích rằng "bất cứ hành động nào dẫn đến leo thang căng thẳng đều không phải là ý kiến hay".

Moscow đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây không hỗ trợ quân sự cho Kiev, cho rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của Nga, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine để đối phó chiến dịch của Nga.

Mỹ lên kế hoạch viện trợ tên lửa, huấn luyện hàng nghìn binh sĩ Ukraine - 2

Binh sĩ Na Uy vận hành một hệ thống NASAMS (Ảnh: Wikipedia).

Lục quân Mỹ hôm 30/11 thông báo đã trao hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD cho tập đoàn quốc phòng Raytheon để cung cấp 6 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS cho quân đội Ukraine. Ngoài các hệ thống NASAMS, hợp đồng còn bao gồm các thiết bị và phụ tùng thay thế liên quan, cùng hoạt động đào tạo và hỗ trợ hậu cần cho quân đội Ukraine.

"Quá trình sản xuất sẽ được thực hiện ở Tewksbury, Massachusetts, với thời hạn hoàn thành ước tính vào ngày 28/11/2025", Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Cho đến nay, Kiev đã nhận được 2 trong số 8 hệ thống NASAMS mà Washington cam kết sẽ chuyển giao. Các hệ thống còn lại dự kiến sẽ được chuyển giao cho Ukraine sau khi hoàn tất.

Ukraine cho biết nước này đang cần các hệ thống phòng không, do các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn gần đây của Nga nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng.

Lầu Năm Góc tuyên bố, các hệ thống NASAMS cho đến nay đã cho thấy tỷ lệ thành công 100% trong việc đánh chặn tên lửa của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định sau mỗi đợt tấn công tên lửa, tất cả các mục tiêu dự kiến ban đầu đều bị đánh trúng.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine