1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ukraine nhận nguồn cung vũ khí bí mật

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết một số quốc gia đã cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev mặc dù công khai phủ nhận việc này.

Ukraine nhận nguồn cung vũ khí bí mật - 1

Binh sĩ Ukraine tiếp nhận vũ khí do Mỹ viện trợ (Ảnh: AFP).

Trong cuộc phỏng vấn với báo Le Parisien của Pháp hôm 27/11, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết một số quốc gia đã cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev mặc dù không thừa nhận việc này. Trong trường hợp này, vũ khí được chuyển thông qua bên thứ 3.

"Hầu hết các nước thứ 3 công khai nói rằng họ không cung cấp bất cứ thứ gì, nhưng mọi thứ đang diễn ra ở phía sau hậu trường", ông Kuleba nói, song không nêu chi tiết những quốc gia nào đang bí mật hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.

Bình luận của Ngoại trưởng Kuleba được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo cáo cho rằng những nước ủng hộ Ukraine, bao gồm một số quốc gia NATO, đang gặp phải tình trạng thiếu vũ khí do liên tục ủng hộ Kiev.

Theo một bài báo gần đây của New York Times, chỉ một số đồng minh "lớn hơn" trong khối NATO như Pháp, Đức, Italy và Hà Lan vẫn có khả năng duy trì, thậm chí tăng cường vận chuyển vũ khí tới Ukraine.

"Các quốc gia nhỏ hơn đã cạn kiệt vũ khí", một quan chức NATO tiết lộ, đồng thời cho biết kho dự trữ vũ khí của ít nhất 20 trong số 30 quốc gia thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu "gần như bằng 0".

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2 đến nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ an ninh hàng tỷ USD cho Kiev. Theo New York Times, các nước NATO đã chuyển giao vũ khí trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, tương đương với ngân sách quân sự hàng năm của Pháp.

Tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thừa nhận, hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt đáng kể kho dự trữ vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Ông kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng của các nước giúp bổ sung những vũ khí bị hao hụt.

Một số nước phương Tây thừa nhận kho vũ khí của họ bắt đầu cạn kiệt. Giới chức Đức hồi tháng 9 nói rằng, khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine đã "tới hạn". Lithuania hối thúc đồng minh hỗ trợ Ukraine mọi thứ có thể bởi nước này không còn vũ khí để viện trợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần tuyên bố, Washington tiếp tục viện trợ Kiev "lâu nhất có thể" ngay cả khi kho dự trữ quân sự của Mỹ đã hao hụt đáng kể.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng tuyên bố không thay đổi chính sách của những người tiền nhiệm về việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Anh hồi tháng 9 xác nhận là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, cung cấp khoản viện trợ trị giá 2,3 tỷ bảng Anh trong năm nay.

"Chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine lâu nhất có thể. Chúng tôi sẽ duy trì hoặc tăng viện trợ quân sự vào năm tới. Chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ mới cho phòng không Ukraine", ông Sunak nói.

Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, các nước phương Tây sẽ không thể duy trì quy mô và tốc độ viện trợ như hiện nay. Khi đó, Mỹ và đồng minh có thể gây sức ép để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ nhất định.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine