Mỹ đứng trước "lỗ hổng" lớn khi ồ ạt chuyển tên lửa cho Ukraine
(Dân trí) - Sau khi chuyển lượng lớn vũ khí cho Ukraine để đối phó chiến dịch quân sự của Nga, Mỹ đang đối mặt với bài toán khó khi tạo ra lỗ hổng trong kho khí tài và có thể phải mất nhiều năm mới lấp đầy nó.
Popular Mechanic nhận định, phản ứng của Lầu Năm Góc với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã diễn ra nhanh chóng và không ngừng nghỉ từ 24/2 tới nay, bao gồm việc chuyển hàng nghìn rocket, tên lửa, vũ khí hạng nặng, pháo tự hành cho phía Kiev.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Mỹ đang chịu ảnh hưởng từ các động thái của họ, vì việc chuyển ồ ạt số lượng lớn vũ khí trong một khoảng thời gian ngắn như vậy đang gây ra một "lỗ hổng" đáng kể trong kho dự trữ vũ khí của Washington. Các quan chức Mỹ đã bàn bạc với các nhà thầu quốc phòng về việc tăng tốc sản xuất các lô vũ khí bù đắp, nhưng đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì có nhiều yếu tố tác động.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, kể từ đầu cuộc chiến, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine 3,8 tỷ USD chỉ trong hơn 2 tháng. Họ đưa vũ khí tới tập kết ở Ba Lan, rồi dùng các xe tải và tàu hỏa đưa tới Ukraine. Nhờ vũ khí phương Tây và đặc biệt từ Mỹ, Ukraine đã có thể chặn được đà tiến của lực lượng Nga trên một số khu vực.
Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gửi ít nhất 5.500 tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin và 1.400 tên lửa phòng không FIM-92E Stinger cho Ukraine. Đây là những con số lớn ngay cả theo tiêu chuẩn của Lầu Năm Góc.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ước tính Mỹ đã gửi cho Ukraine khoảng 1/3 tổng số tên lửa Javelin trong kho và 1/4 kho dự trữ tên lửa Stinger. Các kho dự trữ được duy trì trên toàn thế giới để đảm bảo các lực lượng vũ trang Mỹ có thể có đủ khí tài nhằm ứng phó với các trường hợp khẩn cấp trên toàn cầu.
Mỹ, Ba Lan và Estonia đã gửi Javelin đến Ukraine và họ sẽ cần phải bổ sung trong tương lai. Tên lửa Javelin hiện vẫn đang được sản xuất. Để bổ sung vào kho dự trữ, Lockheed Martin sẽ tăng sản xuất Javelin từ 2.100 tên lửa/năm lên 4.000 tên lửa/năm. Mặc dù con số đó nghe khá lớn, nhưng Mỹ có thể sẽ phải mất 2 năm mới lấp đầy lại được kho Javelin.
Nhà thầu Lockheed cũng sẽ yêu cầu thêm thời gian để lập chuỗi cung ứng cung cấp các bộ phận cho tên lửa, trong bối cảnh tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu đang xảy ra. Đây là nguyên liệu mà hệ thống dẫn đường của Javelin cần để hoạt động.
Ngoài ra, thời gian giao hàng có thể sẽ gây gián đoạn trong lịch trình bổ sung tên lửa của Mỹ. Hiện các tên lửa Javelin sẽ cần 32 tháng để có thể giao được sau khi các đơn đặt hàng được gửi tới Lockheed. Điều này có nghĩa là, sẽ mất gần 3 năm để những tên lửa mới được giao tới cho các quân nhân trên thực địa.
Bên cạnh đó, việc sản xuất Stinger bổ sung vào kho vũ khí còn khó khăn hơn. Mỹ dừng đặt tên lửa này vào năm 2003. Nhà thầu Raytheon vẫn mở dây chuyền sản xuất cho tới năm 2020 để giao các đơn hàng cho khách hàng nước ngoài, nhưng giờ dây chuyền đã ngừng hoạt động. Thêm vào đó, Stinger sử dụng các thiết kế công nghệ cũ và nhiều linh kiện của nó đã không còn được sản xuất. Việc mở lại dây chuyền Stinger cần 6-12 tháng.
Vì vậy, để bổ sung lại kho tên lửa đã bị hụt đi, Mỹ sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Điều này đặt ra một bài toán khác cho Mỹ rằng trong tương lai, ngành công nghiệp quốc phòng của họ sẽ phải tìm cách tăng tốc sản xuất vũ khí với tốc độ theo tuần để đáp ứng với các mối đe dọa tiềm tàng, chứ không phải theo thời gian nhiều tháng và nhiều năm như hiện tại.