1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ để ngỏ khả năng triển khai lính gìn giữ hòa bình tới Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Mỹ nói rằng nước này chưa từ bỏ kịch bản có thể đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.

Mỹ để ngỏ khả năng triển khai lính gìn giữ hòa bình tới Ukraine - 1

Đặc phái viên Mỹ về Nga và Ukraine Keith Kellogg (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa loại trừ khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, ông Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump, cho biết hôm 17/2.

"Từ trước đến nay, chính sách của chúng tôi luôn là không loại trừ bất kỳ phương án nào. Bạn không muốn rơi vào tình thế đàm phán mà các lựa chọn bị giới hạn", ông Kellogg nói với các phóng viên sau cuộc họp với các đồng minh NATO châu Âu tại Brussels, Bỉ.

Những phát biểu của quan chức Mỹ có thể trấn an các nhà lãnh đạo châu Âu, những người lo ngại họ sẽ phải gánh toàn bộ trách nhiệm trong việc giám sát bất kỳ lệnh ngừng bắn nào mà ông Trump làm trung gian trong thời gian tới.

Các lãnh đạo Anh, Pháp và Đức đã thảo luận về khả năng triển khai quân đội tới Ukraine trong cuộc họp khẩn cấp tại Paris, Pháp nhằm phản ứng trước quyết định của Tổng thống Mỹ về việc khởi động đàm phán hòa bình với Nga.

Tướng Kellogg cũng đã báo cáo trước Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định chính trị của NATO, như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đưa các quốc gia châu Âu vào quá trình đàm phán.

Nhằm xoa dịu lo ngại về việc Ukraine có thể bị ép phải chấp nhận một thỏa thuận không thỏa đáng, đặc phái viên Mỹ khẳng định: "Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine sẽ là những người đưa ra quyết định đó".

Trong khi đó, sau hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã kêu gọi ông Trump cung cấp hỗ trợ quân sự nếu châu Âu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Anh cho rằng chỉ có sự bảo đảm an ninh từ Mỹ mới có thể ngăn Nga tiến hành các hành động tấn công tiếp theo.

Hội nghị thượng đỉnh tại Paris, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập trong thời gian ngắn, phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng ở châu Âu rằng ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang đàm phán về an ninh châu lục mà không có sự tham gia trực tiếp của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Trong khi một số nhà lãnh đạo, bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz, phản đối thảo luận về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở châu Âu, ông Starmer vẫn thúc đẩy kế hoạch này, lập luận rằng quân đội châu Âu sẽ cần sự hỗ trợ hậu cần và quân sự của Mỹ.

Các quan chức quốc phòng Anh nhấn mạnh rằng ngay cả một lực lượng gìn giữ hòa bình phi chiến đấu gồm 30.000 binh sĩ cũng sẽ cần sự bảo vệ của NATO, đặc biệt là về không quân và hậu cần.

Ông Scholz, dù đồng ý rằng một lực lượng châu Âu không thể hoạt động nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ, vẫn cho rằng việc thảo luận về phương án này vào thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Ông cho rằng khi Nga vẫn đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, ưu tiên nên là tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev.

AFP hôm 17/2 trích dẫn nguồn tin từ chính phủ Đức cho biết, Berlin sẽ không gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine trừ khi Mỹ cũng cam kết gửi lực lượng của riêng mình đến quốc gia Đông Âu.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu khác, bao gồm Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chi tiêu quốc phòng để đối phó với sức mạnh quân sự của Nga. Ông Tusk cảnh báo rằng nếu các quốc gia châu Âu không thực hiện ngay các bước để củng cố năng lực phòng thủ, họ sẽ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ Ukraine một cách hiệu quả.

Theo Telegraph
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine