Mỹ công bố lệnh trừng phạt, hủy họp thượng đỉnh với Nga
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói trừng phạt đầu tiên với Nga sau khi Moscow công nhận độc lập cho vùng ly khai của Ukraine, và cảnh báo áp thêm lệnh trừng phạt nếu Moscow leo thang căng thẳng.
"Gói trừng phạt đầu tiên"
Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng hôm 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ áp các lệnh trừng phạt nhằm vào 2 định chế tài chính lớn của Nga, trái phiếu Nga, giới tinh hoa của Nga và người thân của họ. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, các lệnh trừng phạt này sẽ "cô lập Nga với nền tài chính phương Tây".
Cụ thể, hai ngân hàng Nga bị đưa vào diện trừng phạt của Mỹ gồm VEB và ngân hàng quân đội Nga. Đây là các định chế tài chính mà Washington cho là có liên quan đến các thương vụ quốc phòng của Nga. Hai ngân hàng này cùng với một số nhân vật trong giới tinh hoa của Nga, trong đó có Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Aleksandr Bortnikov, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Promsvyazbank Petr Fradkov, cựu Thủ tướng Nga Sergei Kiriyenko, sẽ bị cấm giao dịch với công dân Mỹ đồng thời bị đóng băng tài sản trên đất Mỹ. Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng khiến Nga khó tiếp cận thị trường trái phiếu của Mỹ.
"Nga tính toán bước đi tiếp theo thì chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn động thái tiếp theo. Nga thậm chí sẽ phải trả giá đắt hơn nếu tiếp tục leo thang, trong đó có việc phải đối mặt thêm với các lệnh trừng phạt mới", Tổng thống Biden nói và chỉ trích việc Nga công nhận độc lập cho vùng ly khai Donbass ở Đông Ukraine.
Phản ứng về quyết định trừng phạt của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin không theo dõi bài phát biểu của người đồng cấp Mỹ và trước tiên Nga sẽ xem xét các lệnh trừng phạt trước khi có biện pháp đáp trả.
Trước đó, các nước châu Âu cũng công bố lệnh trừng phạt để đáp trả việc Nga công nhận độc lập cho vùng ly khai miền Đông Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 22/2 cho biết quá trình phê duyệt dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 đã bị tạm dừng.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài hơn 1.200 km, có trị giá 11,6 tỷ USD. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, nó sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm. Hoàn thành vào tháng 9/2021, nhưng đến nay dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ cấp phép của Đức và các nước EU.
Cùng ngày, Anh cũng công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tỷ phú Nga. Theo đó, các ngân hàng gồm Rossiya, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank, cùng ba tỷ phú Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg sẽ bị đóng băng toàn bộ tài sản tại Anh. Công dân và các thực thể tại Anh không được phép giao dịch với các ngân hàng và cá nhân này.
Mỹ hủy họp thượng đỉnh với Nga
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, cuộc họp thượng đỉnh giữa ông và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong tuần này tại Geneva sẽ không diễn ra như dự kiến.
"Nga đã cho thấy họ từ chối con đường ngoại giao, vì vậy, không có lý do gì để tiếp tục cuộc họp đó ở thời điểm này. Tôi đã tham vấn các đồng minh và đối tác và họ đều nhất trí quan điểm", Ngoại trưởng Blinken nói. Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh thêm: "Nếu Nga thay đổi cách thức tiếp cận, chúng tôi vẫn rất sẵn sàng hợp tác".
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhất trí họp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga với điều kiện các lực lượng của Nga không tiến thêm về phía Ukraine.
Tuy nhiên, căng thẳng có chiều hướng leo thang sau khi Nga tuyên bố công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraine gồm Donetsk và Lugansk. Thượng viện Nga hôm qua cũng nhất trí với đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin về việc cho phép sử dụng quân đội ở nước ngoài, mở đường cho việc triển khai lực lượng và khí tài đến miền Đông Ukraine. Giới chức Nga cho biết, đây sẽ là lực lượng gìn giữ hòa bình.