Mỹ cảnh báo thời điểm Nga có thể hành động quân sự với Ukraine
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lo ngại về thời điểm Nga có thể "động binh" với Ukraine khi căng thẳng khu vực leo thang.
"Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà một cuộc tấn công có thể nổ ra bất cứ lúc nào, và phải nói rõ là bao gồm cả trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Nói một cách đơn giản, chúng tôi tiếp tục nhận thấy những dấu hiệu rất đáng lo ngại về sự leo thang của Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói sau cuộc gặp với những người đồng cấp trong nhóm Bộ Tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) ở Melbourne hôm 11/2.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đã bác bỏ những dự đoán cho rằng, Nga có thể đợi đến sau Thế vận hội Bắc Kinh mới thực hiện kế hoạch động binh với Ukraine để tránh làm "mất lòng" Trung Quốc, một trong đồng minh của Moscow.
Ông Blinken khẳng định Mỹ "rất mong muốn giải quyết những bất đồng" với Nga "thông qua ngoại giao".
"Chúng tôi đã thực hiện mọi nỗ lực có thể để lôi kéo sự tham gia của Nga. Nhưng chúng tôi cũng rất rõ ràng trong việc xây dựng năng lực răn đe và phòng thủ, đồng thời thể hiện rõ với Nga rằng nếu nước này chọn phương án tấn công, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả to lớn", Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo.
Tổng thống Joe Biden ngày 10/2 kêu gọi người Mỹ ở Ukraine rời đi ngay lập tức do lo ngại căng thẳng với Nga. Giới chuyên gia nhận định đây được xem là tín hiệu cho thấy xung đột có thể sắp xảy ra.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 10/2 đã cảnh báo Nga về những hậu quả kinh tế và chính trị "nghiêm trọng" nếu nước này tăng cường các động thái quân sự cứng rắn đối với Ukraine, đồng thời nói thêm rằng Đức và các đồng minh sẵn sàng đối thoại với Moscow và mong muốn hòa bình.
"Điều quan trọng vào lúc này không gì khác ngoài việc ngăn chặn một cuộc chiến ở châu Âu. Chúng tôi muốn hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc với Nga để đối thoại về các vấn đề an ninh châu Âu", Thủ tướng Scholz nói với các phóng viên tại cuộc họp với lãnh đạo các nước Baltic ở Berlin.
Thủ tướng Scholz đã gặp Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda và Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins. Lãnh đạo của các nước Baltic muốn Đức đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực của liên minh quân sự NATO nhằm tăng cường phòng thủ đối phó với Nga ở Đông Âu. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc "hỗ trợ Ukraine", bao gồm hỗ trợ về kinh tế, tài chính cũng như "tinh thần".
Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị "động binh" với Ukraine sau khi đưa hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới của nước này. Để chuẩn bị cho kịch bản Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã vận chuyển vũ khí giúp Ukraine tăng cường năng lực quốc phòng.
Bất chấp những cảnh báo của phương Tây, Nga khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine và việc Moscow điều động lực lượng trong phạm vi lãnh thổ là hoàn toàn bình thường. Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga và phương Tây, nhưng khẳng định chính phủ của ông vẫn đang "nỗ lực bền bỉ" để "đảm bảo sự ổn định chiến lược và đối phó với các mối đe dọa và thách thức đang nổi lên".