1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Máy bay không người lái: Vũ khí đáng sợ của chiến tranh hiện đại

Đức Hoàng

(Dân trí) - Máy bay không người lái (UAV) được cho sẽ làm thay đổi cục diện và chiến lược tác chiến tương lai nhờ giá thành thấp nhưng hiệu quả cao trong việc gây thiệt hại tới đối thủ.

Thiết bị quân sự Armenia nổ tung trong cuộc không kích của Azerbaijan

Trên không trung, sau âm thanh vù vù, một chiếc UAV Azerbaijan xuyên qua làn đạn đang nã vào nó, trước khi lao thẳng vào một chiếc xe buýt, làm phương tiện này nổ tung như một quả "cầu lửa".

Khi cuộc giao tranh với Armenia bắt đầu bùng phát trở lại từ ngày 27/9 ở khu vực “điểm nóng” Nagorno-Karabakh, Azerbaijan đã không ít lần đăng các đoạn video ghi lại cảnh UAV của họ không kích hàng loạt vũ khí của đối thủ.

Trả lời phỏng vấn France 24 trong tuần này, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết các UAV nước này đã phá hủy lượng khí tài quân sự của Armenia với tổng trị giá 1 tỷ USD chỉ trong hơn 2 tuần xung đột.

Trước đó, trong một bài phỏng vấn với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, ông Aliyev cũng thừa nhận rằng các UAV do Ankara sản xuất đã giúp hạn chế đáng kể số lượng thương vong của quân đội Azerbaijan trên tiền tuyến. “Các UAV này thể hiện sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng thời khiến chúng tôi trở nên uy lực hơn”, Tổng thống Aliyev nói.

Azerbaijan công bố video phá hủy phương tiện quân sự Armenia

Trên thực tế, cả Armenia và Azerbaijan đều có lực lượng không quân không lớn. Armenia được cho có khoảng 18 máy bay chiến đấu Sukhoi cùng với một số trực thăng tấn công. Trong khi đó, Azerbaijan ước tính có khoảng 30 máy bay MiG và Sukhoi của Nga sản xuất và một số trực thăng tấn công.

Các máy bay đều đắt đỏ, và các phi công điều khiển chúng có thể gặp nguy hiểm khi các máy bay bị bắn hạ khi tham chiến. Vì vậy, với một nền không quân không quá lớn, việc Azerbaijan sử dụng UAV được xem là phương án tối ưu khi chúng có giá thành rẻ và có thể tác chiến linh hoạt ở các cuộc xung đột có quy mô nhỏ như ở Nagorno-Karabakh.

“Với 2 quốc gia có năng lực không quân hạn chế, UAV là một sự thay thế giá thành rẻ nhằm giúp mở rộng tiềm năng tấn công, khả năng tình báo, giám sát và trinh sát”, chuyên gia quân sự người Mỹ Mike Fowler nhận định.

Trong cuộc giao tranh lần này, Azerbaijan sở hữu một đội UAV quy mô lớn hơn Armenia và Baku đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào xe tăng, hệ thống hỏa lực, thậm chí là lá chắn phòng không của Yerevan.

Uy lực của UAV

Giới quan sát cho biết, trong những năm qua, ngoài việc nhập khẩu khí tài quân sự từ Nga, Azerbaijan đã tìm đến Israel và Thổ Nhĩ Kỳ để gia tăng năng lực của đội máy bay không người lái. Theo các nhà nghiên cứu, tới trước thời điểm giao tranh diễn ra cuối tháng trước, Azerbaijan có khoảng 200 mẫu UAV.

Trong khi hầu hết các mẫu UAV có thể thực hiện chức năng trinh sát, truyền dữ liệu và video tới trạm kiểm soát mặt đất, nhiều loại có thể được trang bị thuốc nổ, cho phép nó lao vào mục tiêu và biến thành “UAV cảm tử”.

Máy bay không người lái: Vũ khí đáng sợ của chiến tranh hiện đại - 1

UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Hurriyet Daily News)

Theo giới quan sát, UAV đã mang lại sức mạnh cho Azerbaijan trong thời gian qua là chiếc Bayraktar TB2. Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng UAV này khi tham chiến ở Syria và gần đây là Libya.

“Tôi tin là Azerbaijan đã được truyền cảm hứng bởi các trận không kích bằng UAV đầy hiện đại và quyết đoán của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya”, Matthew Bryza, cựu Đại sứ Mỹ tại Azerbaijan, nhận định.

TB2 có thể đạt tốc độ 250 km/h với sải cảnh dài 12 mét. Nó có thể bay lên độ cao tối đa 6.500 mét và ở trên không liên tục 24 giờ.

Chuyên gia quân sự Mỹ Rob Lee cũng cho rằng TB2 đang tạo nên sức ảnh hưởng quan trọng trong giao tranh ở Nagorno-Karabakh. “Chúng ta đang chứng kiến những thành quả trên chiến trường của Azerbaijan mà chúng tôi chưa từng thấy trong 20-25 năm nay”, ông Lee nhận xét.

Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan, ông Hikmet Hajiyev, tiết lộ nước này cũng dùng UAV Harop của Israel. Harop thậm chí có khả năng phá hủy radar đối phương để trấn áp hệ thống phòng không nhằm thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả hơn.

Máy bay không người lái: Vũ khí đáng sợ của chiến tranh hiện đại - 2

UAV cảm tử Harop của Israel (Ảnh: Flight Global)

Ngoài các UAV nhập khẩu, Azerbaijan được cho cũng đang tự sản xuất UAV, thông qua việc hợp tác với công ty Israel. Điều này cho phép Baku linh họa hơn trong việc triển khai khí tài này trong tương lai.  

Các chuyên gia cũng chỉ ra Armenia sở hữu kho UAV khiêm tốn hơn hẳn Azerbaijan, và những UAV này chỉ được thiết kế để trinh sát và giám sát, không có khả năng thực hiện nhiệm vụ cảm tử.

Ngoài giá thành rẻ, gây ra ít rủi ro tới phi công và khả năng tấn công hiệu quả, UAV còn có thể tạo ra đòn tâm lý với đối phương thông qua việc ghi hình lại đầy đủ các cuộc tấn công. Phía Azerbaijan đã làm điều này khi họ thường xuyên đăng video, hình ảnh tấn công khí tài và quân nhân Armenia trên mạng với mục đích tuyên truyền và gây áp lực.

Chuyên gia Nga Andrei Frolov nhận định trong cuộc giao tranh lần này Armenia dường như không thể ngờ được sức mạnh của đội UAV Azerbaijan. Mặc dù vậy, chuyên gia Viktor Murkowski cho rằng hệ thống phòng không Armenia đặt ở Nagorno-Karabakh đã cũ kỹ và radar hoạt động kém hiệu quả nên UAV của Azerbaijan mới dễ dàng xâm nhập để tấn công.

Vũ khí lợi hại trong tác chiến

Đoàn xe quân sự Armenia nổ tung trong cuộc đụng độ với Azerbaijan

Dù Azerbaijan dường như đạt được mục đích với chiến thuật dùng UAV, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng UAV không thể tự quyết định được kết quả của cuộc chiến. Các hệ thống hỏa lực, xe tăng, lực lượng tên lửa vẫn được xem là đóng vai trò chủ chốt.

Mặc dù vậy, rõ ràng là UAV có thể tạo nên những lợi thế khi tác chiến và được cho sẽ được tin dùng nhiều hơn trong các lực lượng.

Theo các chuyên gia, sự lợi hại của UAV nằm ở chỗ nó có thể giúp các lực lượng vũ trang, quân đội không có tiềm lực quân sự quá lớn tạo ra những cuộc tấn công gây hậu quả nghiêm trọng. Năm ngoái, Trung Đông từng “rúng động” vụ 2 nhà máy dầu mỏ của Ả rập Xê út bị các UAV và tên lửa của lực lượng Houthi (Yemen) tấn công, làm tổn thất gần 6 triệu thùng dầu/ngày. Rõ ràng đây là một vụ tấn công có chi phí rất thấp, chỉ vài chục nghìn USD cho những UAV thô sơ, nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ tấn công trên, lá chắn phòng không Patriot của Mỹ đã không thể chặn được số lượng lớn UAV và tên lửa lao về các nhà máy lọc dầu. Cách tấn công kiểu “bầy đàn” cũng được xem là phương pháp tác chiến kiểu mới khi triển khai số lượng lớn khí tài tấn công ồ ạt để vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ đối phương.

Khoảnh khắc nhà máy dầu Ả rập Xê út nổ như “cầu lửa”

Mặt khác, UAV cũng có thể được dùng để thực hiện các vụ tấn công có mức độ rủi ro cao mà không gây nguy hại tới tính mạng của quân nhân. Hồi tháng 1, Mỹ được cho là đã dùng máy bay không người lái MQ-9 Reaper để khai hỏa tên lửa Hellfire ám sát tướng Iran Qasem Soleimani. Theo giới chuyên gia, MQ-9 Reaper gần như không phát ra tiếng động và đó là lý do tại sao đoàn hộ tống tướng Soleimani không thể phát hiện vụ không kích.

“MQ-9 Reaper cho thấy khả năng nhắm mục tiêu chính xác, nhanh chóng và sát thương cao”, cựu quan chức Không quân Mỹ David Deptula bình luận với Washington Examiner.

Trong các cuộc giao tranh, UAV được xem là những “đôi mắt trên không” với hệ thống camera, cảm biến. Các thông tin UAV truyền về sẽ giúp cho những người chỉ huy hiểu được cục diện và tình thế của đối phương và đưa ra quyết định tấn công trực diện vào hệ thống hỏa lực, phòng không, thiết giáp nhằm gây ra sự tàn phá to lớn.

Hiệu quả của chiến thuật này đã khiến giới quan sát tỏ ra hoài nghi về hiệu quả tác chiến của xe tăng trong các trận chiến tương lai. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng vai trò của xe tăng trong việc giành và duy trì kiểm soát với các khu vực chiếm được vẫn không thể bị xem nhẹ.

Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh