Lý do thực sự đằng sau việc Mỹ cấm Ukraine dùng tên lửa ATACMS tại Kursk
(Dân trí) - Truyền thông Mỹ nêu ra lý do thực sự khiến Mỹ không đồng ý cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa ATACMS tại vùng Kursk của Nga.
Mỹ ngần ngại trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa bên trong Kursk "không phải vì nguy cơ leo thang căng thẳng với, mà vì nguồn cung cấp vũ khí của Washington chỉ có hạn", CNN ngày 16/8 dẫn lời các quan chức Mỹ ẩn danh đưa tin.
Ukraine đã bất ngờ tấn công vùng Kursk, Nga vào ngày 6/8. Trong vòng 10 ngày, Ukraine đã tuyên bố kiểm soát 82 khu định cư của Nga, bao gồm thị trấn Sudzha.
Phó Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh đã nói với báo chí vào ngày 8/8 rằng chiến dịch của Ukraine "phù hợp với chính sách của chúng tôi" vì Kiev đang phòng thủ "chống lại các cuộc tấn công từ bên kia biên giới".
Trả lời câu hỏi về việc Ukraine được phép tấn công vào lãnh thổ Nga bao xa, bà Singh cho biết Mỹ "không ủng hộ các cuộc tấn công tầm xa", nhưng từ chối nêu rõ khoảng cách chính xác. Phát biểu này có ý cấm Ukraine sử dụng ATACMS trong lãnh thổ chủ quyền của Nga.
"Tôi sẽ không vẽ một bản đồ tròn để chỉ ra nơi Kiev có thể và không thể tấn công Nga, nhưng chúng tôi đã rất rõ ràng với người Ukraine", bà nói.
Mỹ vẫn còn ngần ngại bật đèn xanh cho việc sử dụng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp ở tỉnh Kursk, vì "chúng tốt hơn là nên tiếp tục nhắm vào bán đảo Crimea do Nga kiểm soát", khu vực mà Moscow sáp nhập năm 2014.
Tuy nhiên, các nguồn tin nói rằng nguyên nhân là do "nguồn cung hạn chế" hệ thống Tên lửa Chiến thuật của Quân đội (ATACMS), chứ không hẳn do lo ngại lâu nay về việc leo thang chiến sự.
Mỹ chỉ viện trợ cho Ukraine một số lượng giới hạn ATACMS và Washington dường như cho rằng Kiev cần ưu tiên sử dụng nó vào những mục tiêu nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, ví dụ như Crimea.
Theo CNN, các quan chức Mỹ và phương Tây quen thuộc với thông tin tình báo mới nhất "đã cảnh báo rằng Ukraine rất khó có thể giữ được" lãnh thổ của Nga và rất khó để dự đoán liệu cuộc tấn công sẽ tác động ra sao tới cục diện cuộc chiến.
Với trọng lượng hơn 1,6 tấn, dài 4m và đường kính 610mm, ATACMS có thể bay ở tốc độ lên tới 1km/s ở trần bay khoảng 50km. Sử dụng thiết bị dẫn đường sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS, tên lửa này có sai số rất nhỏ dù có thể tấn công mục tiêu ở xa tới 300km.
Mỹ từng gửi phiên bản ATACMS với tầm bắn 150km vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, phiên bản tên lửa được gửi từ đầu năm có thể bay được tới 300km, đặt các mục tiêu có giá trị cao hơn của Nga vào tầm ngắm của Ukraine.