DNews

Liều thuốc đắng và viên kẹo ngọt: Phương Tây thay đổi chiến lược ở Ukraine?

Minh Phương Thanh Thành

(Dân trí) - Gần hai năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhiều tín hiệu cho thấy phương Tây dường như đang thay đổi chiến lược ở Ukraine theo hướng thúc đẩy Kiev đàm phán với những nhượng bộ nhất định.

Liều thuốc đắng và viên kẹo ngọt: Phương Tây thay đổi chiến lược ở Ukraine?

Tham gia một hội nghị quốc tế đầu tiên sau khi nhậm chức vào đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: "Nước Mỹ đã trở lại". "Trong bao lâu, thưa ngài?", một lãnh đạo trong hội nghị lập tức hỏi.

Đó cũng chính là câu hỏi mà dư luận đặt ra những tuần qua khi Tổng thống Biden đấu tranh để đảm bảo duy trì sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine trong bối cảnh quốc hội bất đồng về vấn đề này.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Washington hôm 12/12, ông Biden khẳng định: "Tôi sẽ không quay lưng với Ukraine và người dân Mỹ cũng sẽ như vậy".

Tuy nhiên, giới quan sát nhận ra đã có sự thay đổi trong mức độ cam kết của người đứng đầu chính phủ Mỹ. Trước đây, ông Biden từng khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine "bằng mọi giá", song hiện giờ, cam kết đó chỉ dừng lại ở mức "chừng nào còn có thể".

Tuyên bố của ông Biden phần nào phản ánh sự chuyển hướng trong thái độ không chỉ của Mỹ mà còn của các đồng minh phương Tây về viện trợ cho Ukraine.

Sự mệt mỏi của phương Tây

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần hai năm, nghĩa là cũng chừng đó thời gian phương Tây viện trợ quân sự cho Kiev. Bất chấp hàng chục tỷ USD viện trợ của Mỹ và đồng minh, Ukraine vẫn chưa thể khôi phục đường biên giới, chấm dứt chiến sự với Nga như mong muốn.

Sự mệt mỏi của phương Tây lúc này có lẽ là "vũ khí mạnh nhất" mà Nga có được. Các đồng minh của Ukraine quyết tâm chứng minh cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy ông ấy đã sai khi đặt cược Moscow có thể trụ vững lâu hơn quyết tâm của phương Tây hỗ trợ Kiev. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy điều đó không hề dễ dàng.

Cuộc chiến kéo dài đang khiến các nhà tài trợ cho Ukraine mệt mỏi. Đã có dấu hiệu cho thấy Washington và châu Âu bắt đầu giảm dần sự ủng hộ dành cho Kiev, đặc biệt trong bối cảnh mối bận tâm của họ hiện nay còn là cuộc xung đột ở Trung Đông giữa Israel và Hamas.

Tại Washington, cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành điểm nóng mới nhất trong cuộc tranh cãi về việc người Mỹ nên quan tâm (và chi tiêu) đến mức nào để hỗ trợ các đối tác và đồng minh ở nước ngoài. Bế tắc ở quốc hội Mỹ khiến Washington chưa thể thông qua gói viện trợ mới dành cho Ukraine.

Liều thuốc đắng và viên kẹo ngọt: Phương Tây thay đổi chiến lược ở Ukraine? - 1

Quốc hội Mỹ vẫn chưa đạt được tiếng nói chung về việc duy trì viện trợ cho Ukraine (Ảnh: AP).

Ở châu Âu, đại dịch Covid-19 và lạm phát cao đã gây áp lực cho nền kinh tế. Niềm tin lạc quan về thành công của Ukraine bắt đầu lung lay, dẫn đến lo ngại về một cuộc chiến lớn không có hồi kết. Một số nhà lãnh đạo EU thừa nhận rằng họ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự ủng hộ của công chúng dành cho Ukraine nếu khối này chi tiền cho Kiev nhưng không có ngân sách cho những vấn đề khác.

Ngay ở Ukraine, chủ nghĩa hoài nghi cũng có xu hướng xuất hiện từ các cuộc tranh luận chính trị và có những thông tin về mâu thuẫn nội bộ.

Trong khi đó, những diễn biến ở tiền tuyến, đặc biệt là tốc độ tương đối chậm và chiến dịch phản công của Ukraine thất bại, đã làm tăng thêm những hoài nghi về sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev.

Rủi ro chính đối với Ukraine không phải sự thay đổi chính trị đột ngột ở phương Tây mà là mạng lưới viện trợ chậm chạp và có xu hướng giảm dần của phương Tây. 

Ví dụ điển hình nhất là Đức, quốc gia đã vượt qua tình trạng thiếu hụt năng lượng do chiến sự Ukraine gây ra và đã tiếp nhận 1 triệu người tị nạn Ukraine.

Tại Đức, đảng cực hữu AfD vốn phản đối ủng hộ Ukraine hiện đứng thứ hai về tỷ lệ ủng hộ của cử tri với 22%. Đây là tỷ lệ ủng hộ cao nhất mà đảng này nhận được, tăng từ mức 10% hồi đầu năm 2022. Giới quan sát cho rằng một số yếu tố thúc đẩy sự ủng hộ đối với đảng AfD có thể liên quan tới giá năng lượng tăng và người tị nạn từ Ukraine.

Tại Hà Lan, đảng Tự do cực hữu do ông Geert Wilders lãnh đạo bất ngờ chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 11. Điều này khiến cam kết viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine trở nên không chắc chắn, do ông Wilders từ lâu phản đối hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Tại Pháp, người dân hiện quan tâm nhiều hơn tới xung đột ở Dải Gaza, do cộng đồng Hồi giáo lớn của đất nước ủng hộ người Palestine. 

Tại Slovakia, đảng của cựu Thủ tướng Robert Fico giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 9, cho phép ông Fico trở lại nắm quyền. Chỉ một ngày sau khi nhậm chức, ông tuyên bố dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, thực hiện một trong những cam kết chính đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Tại Mỹ, dù cựu Tổng thống Donald Trump cuối cùng có thể không được đề cử đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, nhưng điều đáng chú ý là hai ứng viên sáng giá khác là Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và doanh nhân Vivek Ramaswamy đều có chung quan điểm phản đối viện trợ Ukraine.

Theo một cuộc thăm dò do Gallup công bố vào tháng 6, có đến 50% thành viên đảng Cộng hòa tin rằng Mỹ đang hỗ trợ quá mức cho Ukraine, tăng từ mức 43% vào thời điểm xung đột Ukraine - Nga nổ ra. Trong khi đó, 49% đảng viên Cộng hòa muốn kết thúc xung đột nhanh chóng, nhưng ngay cả khi làm như vậy, Nga sẽ tiếp tục nắm quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ đã giành được từ Ukraine.

Các chuyên gia cho rằng, việc phương Tây cắt giảm viện trợ dành cho Ukraine sẽ không giúp chấm dứt chiến sự. Theo họ, không có quốc gia phương Tây nào cử binh sĩ chiến đấu ở Ukraine, và bất chấp vai trò then chốt của vũ khí và tiền bạc từ phương Tây, ngay từ đầu đây đã là cuộc chiến của Ukraine.

"Liều thuốc đắng" và "viên kẹo ngọt" cho Ukraine

Liều thuốc đắng và viên kẹo ngọt: Phương Tây thay đổi chiến lược ở Ukraine? - 2

EU nhất trí khởi động đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine (Ảnh minh họa: Getty).

Politico hôm 27/12 dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết, Mỹ và EU đã thay đổi chiến lược ở Ukraine. Cụ thể, những nước này không còn theo đuổi mục tiêu "chiến thắng toàn diện" cho Ukraine, thay vào đó, họ thảo luận về việc quân đội Ukraine cần chuyển từ chiến lược phản công sang phòng thủ. Các nước này cũng thúc đẩy đàm phán giữa Nga và Ukraine.

"Viện trợ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine đang gặp nguy hiểm, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức châu Âu đang âm thầm chuyển trọng tâm từ hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng toàn diện trước Nga sang củng cố vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột", nguồn tin cho hay.

Trước đó, truyền thông phương Tây cũng cho hay, Mỹ và Đức đang thúc đẩy Ukraine tiến tới đàm phán với Nga bằng cách chỉ cung cấp cho Kiev số vũ khí vừa đủ để chiến đấu ở tiền tuyến.

"Kế hoạch của Đức - Mỹ là chỉ cung cấp cho Kiev số lượng và chủng loại vũ khí phù hợp để cho phép quân đội Ukraine chiến đấu ở tiền tuyến, không cung cấp vũ khí cho Kiev trong việc giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát", báo Bild của Đức hồi tháng 11 cho biết.

Một phát ngôn viên giấu tên của Nhà Trắng nói rằng, đàm phán luôn là mục tiêu cuối cùng của Mỹ ở Ukraine và tất cả viện trợ cho Kiev đều nhằm trao cho nước này "vị thế mạnh nhất có thể khi điều đó xảy ra". Tuy nhiên, một cuộc đàm phán như vậy có thể đồng nghĩa với việc Ukraine phải chấp nhận nhượng một phần lãnh thổ cho Nga.

Tuy nhiên, việc nhượng bộ 18% lãnh thổ thực sự là "liều thuốc đắng" khó có thể chấp nhận đối với Ukraine. Hơn nữa, ngay cả khi chấp nhận nhượng bộ, Ukraine cũng không thể đảm bảo họ sẽ không còn đối mặt với mối đe dọa tương tự nào trong tương lai.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng khích lệ người dân tin rằng khôi phục toàn bộ lãnh thổ là mục tiêu không những đúng đắn mà còn có thể trở thành hiện thực. Giờ đây, ông ấy không thể thuyết phục họ chấp nhận một mục tiêu thấp hơn trừ khi Ukraine nhận được những cam kết an ninh chắc chắn hoặc bằng triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tư cách thành viên NATO và EU sẽ mang lại cho Ukraine những đảm bảo an ninh, kinh tế chưa từng có.

Đó có lẽ là lý do các chính khách EU hồi trung tuần tháng 12 đưa ra quyết định lịch sử, nhất trí khởi động các cuộc đàm phán kết nạp Ukraine  bất chấp sự phản đối từ Hungary và trong bối cảnh xung đột Ukraine - Nga  tiếp diễn.

Động thái này được coi như một "viên kẹo ngọt ngào" mà EU dành cho Ukraine trong trường hợp Kiev chấp nhận "liều thuốc đắng" đàm phán với Nga.

Giới lãnh đạo NATO cũng khẳng định, Ukraine chắc chắn sẽ trở thành thành viên của liên minh này trong tương lai, nhưng ít nhất phải sau khi xung đột chấm dứt.

Tuy nhiên, phương Tây có thể sai lầm nếu họ nghĩ có khả năng gây sức ép, buộc Ukraine tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Mỹ và đồng minh ra sức thuyết phục chính quyền Tổng thống Zelensky, nhưng bất kỳ động thái nào ngồi vào bàn đàm phán đều cần sự chấp thuận của công chúng Ukraine.

"Họ đã đấu tranh, chiến thắng có, mất mát có, không dễ để họ chấp nhận nhượng bộ. Họ chưa sẵn sàng đàm phán. Cả quân đội và người dân đều chưa sẵn sàng ủng hộ chính quyền làm điều đó", Alina Frolova, Phó Chủ tịch Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Kiev, bình luận.

Hơn nữa, với EU, việc kết nạp Ukraine chắc chắn không đơn giản để có thể hoàn tất một sớm, một chiều. Ngay cả khi đã đồng ý khởi động đàm phán kết nạp Ukraine, lãnh đạo khối này có thể cần một thời gian dài nữa để cân nhắc về những hệ quả khi tiếp nhận Kiev trong bối cảnh như vậy.

Trong tương quan với EU, Ukraine không phải một mảnh ghép nhỏ. Ukraine có gần 44 triệu dân, nhiều hơn dân số Ba Lan, và nhiều hơn dân số của Romania, Séc và Hungary cộng lại. Trong một cộng đồng EU hơn 400 triệu dân, Ukraine sẽ nắm giữ quyền biểu quyết đáng kể và những quyền lực nhất định.

Với Mỹ, kịch bản bỏ rơi quốc gia đối đầu với Nga từng là điều không ai nghĩ tới. Điều đó sẽ không chỉ phá vỡ quyết tâm của phương Tây với Ukraine, mà sẽ gửi tín hiệu đến các đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc rằng những đảm bảo an ninh của Mỹ dành cho đồng minh ở nhiều nơi khác trên thế giới không có ý nghĩa gì.

Những người ủng hộ việc duy trì viện trợ cho Ukraine cho rằng Nga đang theo dõi phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ lựa chọn như thế nào.

 "Bài kiểm tra ý chí lớn nhất hiện nay là giữa Điện Kremlin và phương Tây, bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Anh và những nước khác", trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges nhận định.

Theo giới quan sát, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 có thể sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chắc chắn từ giờ cho đến khi đó, Washington sẽ không thể liên tục đổ hàng tỷ USD cho cuộc chiến ở Ukraine.

Garton Ash, Giáo sư Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Oxford, cảnh báo cho dù thế nào, việc Mỹ và đồng minh ngừng viện trợ cho Ukraine sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng không chỉ với Kiev mà với cả phương Tây.

Theo ông, nếu Ukraine thất bại, Nga có thể sẽ tiếp tục gây sức ép với phương Tây bằng việc tăng cường hiện diện gần biên giới NATO, đặc biệt là Estonia và hai quốc gia Baltic còn lại là Latvia và Lithuania. Khi kịch bản đó xảy ra, châu Âu sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhập cư của tị nạn nghiêm trọng hơn nữa, gây ra sức ép cả về kinh tế và xã hội.

Tất cả thành viên NATO khi đó sẽ cần mức chi tiêu quốc phòng ít nhất 3% GDP, một điều không hề dễ chịu đối với những nước đang ngập trong nợ.

Ông Ash dự đoán, châu Âu sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm thêm 200 tỷ USD, hay tương đương GDP của Ukraine trước xung đột và gấp đôi mức viện trợ hàng năm của phương Tây đang dành cho Kiev. Nói cách khác, châu Âu sẽ phải trả một cái giá lớn hơn rất nhiều hiện nay.

Theo Foreign Affairs, Foreign Policy, CEPA, AP

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine