1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây âm thầm thay đổi chiến lược về Ukraine?

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ và các đồng minh châu Âu dường như đang từ bỏ mục tiêu giành "chiến thắng hoàn toàn" cho Ukaine, chuyển sang thúc đẩy Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Nga, Politico dẫn nguồn thạo tin cho hay.

Phương Tây âm thầm thay đổi chiến lược về Ukraine? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 21/9 (Ảnh: Reuters).

Politico ngày 27/12 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, giới chức Mỹ và châu Âu "đang thảo luận việc tái triển khai quân đội Ukraine khỏi cuộc phản công gần như thất bại và chuyển sang thế phòng thủ".

"Hiện viện trợ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine đang gặp nguy hiểm, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức châu Âu đang âm thầm chuyển trọng tâm từ hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng toàn diện trước Nga sang củng cố vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột", nguồn tin cho hay.

Nguồn tin nhấn mạnh thêm rằng, các cuộc đàm phán như vậy có thể đồng nghĩa với việc Ukraine phải chấp nhận nhượng lại một phần lãnh thổ.

Theo Politico, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết sẽ ủng hộ Ukraine bằng mọi giá. Tuy nhiên, trong tuyên bố gần đây nhất khi quốc hội Mỹ không tìm được tiếng nói chung về vấn đề viện trợ cho Ukraine, chủ nhân Nhà Trắng chỉ khẳng định Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và trang bị quan trọng cho Ukraine "chừng nào còn có thể".

Người phát ngôn giấu tên của Nhà Trắng nói với Politico rằng các cuộc đàm phán luôn là mục tiêu cuối cùng của Mỹ ở Ukraine và rằng tất cả viện trợ cho Kiev đều nhằm mục đích giúp Ukraine có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán nếu kịch bản đó xảy ra.

Nguồn tin của Politico cho hay, ông Biden muốn một lệnh ngừng bắn ở cả Ukraine và Trung Đông bởi ông muốn tránh những rắc rối có thể xảy đến trong mùa bầu cử.

Tuần trước, New York Times nhận định, Nga có thể sẵn sàng chấp nhận một lệnh ngừng bắn nhằm đóng băng xung đột ở Ukraine. Tuy vậy, Moscow đã bác bỏ thông tin này.

Điều khiến Washington lo ngại hiện nay là Moscow có thể không chấp nhận đàm phán cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine